BÁO CÁO Kết quả Giám sát tình hình chấp hành pháp luật về quản lý Thuế trên địa bàn tỉnh giai đoạn từ 2021-2022 và 06 tháng đầu năm 2023

Đăng ngày 13 - 09 - 2023
100%

 

I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN
1. Đối với các cơ quan quản lý Thuế
1.1. Kết quả thực hiện công tác phổ biến, tuyên truyền, triển khai pháp luật về quản lý Thuế trên địa bàn tỉnh
Qua giám sát trực tiếp và báo cáo của các đơn vị chịu sự giám sát, trong giai đoạn 2021-2022 và 6 tháng đầu năm 2023 toàn ngành thuế đã tích cực hướng dẫn, cung cấp thông tin về pháp luật thuế và các chính sách thuế mới, sửa đổi, bổ sung giúp người nộp thuế thực hiện tốt các nghĩa vụ thuế. Cụ thể ngành thuế đã hỗ trợ người nộp thuế khoảng trên 30 nghìn lượt (thông qua các hình thức điện tử, hô trợ qua điện thoại, hô trợ trực tiếp tại cơ quan thuế) và ban hành hơn 400 văn bản trả lời vướng mắc của người nộp thuế. Bên cạnh đó, ngành thuế đã tăng cường phối hợp với các cơ quan báo chí của tỉnh, duy trì các trang, chuyên mục tuyên truyền về thuế; tuyên truyền trên trang Thông tin điện tử của ngành, cung cấp tin bài cho các cơ quan báo, đài địa phương đưa tin, tuyên truyền các chính sách thuế, như: Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14; Nghị định số 49/2022/NĐ-CP ngày 29/7/2022, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Thông tư số 78/2021/TT-BTC về hướng dẫn về hóa đơn điện tử; các chính sách hỗ trợ của Quốc hội, Chính phủ đối với các đối tượng chịu tác động của đại dịch Covid-19 tại Nghị định ,số 34/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2022; Nghị định số 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội; Nghị định số 12/2023/NĐ-CP về gia hạn thời gian nộp thuế GTGT, TNDN, TNCN và tiền thuê đất trong năm 2023,...
Ngoài ra trong năm 2021-2022, Cục Thuế tỉnh Hưng Yên cũng tổ chức các buổi gặp mặt người nộp thuế như: tập huấn người nộp thuế, hướng dẫn triển khai hóa đơn điện tử; hội nghị đối thoại trực tiếp với người nộp thuế, tuyên truyền phổ biến chính sách thuế mới đồng thời tuyên dương người nộp thuế tiêu biểu góp phần ngày càng nâng cao trách nhiệm quyền và nghĩa vụ của người nộp thuế trong việc thực hiện pháp luật về quản lý Thuế.
1.2. Kết quả tổ chức quản lý thu thuế; việc miễn thuế; giảm thuế; xóa nợ tíền thuế khơanh tỉền thuếnợ không thu thuê; xử lý tiền nợ thuê,, hơàn thuê
a. Kết quả tổ chức quản lý thu thuế
Trong 02 năm 2021-2022 và 06 tháng đầu năm 2023, trên cơ sở dự toán của HĐND tỉnh giao tại các Nghị quyết: số 328/NQ-HĐND ngày 01/12/2020 về dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn và thu - chi ngân sách địa phương năm 2021; số 158/NQ-HĐND ngày 08/12/2021 về dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn và thu - chi ngân sách địa phương năm 2022; số 305/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 về dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn và thu - chi ngân sách địa phương năm 2023. Ngành Thuế đã tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện quyết liệt dự toán do HĐND tỉnh giao. Kết quả, trong hai năm 2021-2022 và 6 tháng đầu năm 2023 việc tổ chức thu thuế và các khoản thu thuộc ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật luôn đạt và vượt dự toán giao cụ thể:
- Kết quả thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách năm 2021 đạt được như sau: Tổng thu nội địa do ngành thuế quản lý trên địa bàn tỉnh thu được là 15.112,9 tỷ đồng, đạt 148,3% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2020. Trừ tiền sử dụng đất được 10.875,8 tỷ đồng, đạt 134,4% dự toán giao, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm 2020.
- Kết quả thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách năm 2022 đạt được như sau: Tổng thu nội địa do ngành thuế quản lý thu được là 46.985 tỷ đồng, đạt 295% dự toán và vượt 210,9% so với cùng kỳ. Trừ thu tiền sử dụng đất, tổng thu NSNN trên địa bàn được 13.396 tỷ đồng, vượt 53,5% dự toán HĐND tỉnh giao và tăng 23,2% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là số thu NSNN cao nhất của tỉnh Hưng Yên.
- Kết quả thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách trong 6 tháng đầu năm 2023: tổng thu nội địa do ngành Thuế quản lý ước được 14.400 tỷ đồng, đạt 79% dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 60% so với cùng kỳ. Trừ thu tiền sử dụng đất được
11. 400 tỷ đồng, vượt 23% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 104% so với cùng kỳ.
Trên cơ sở kết quả thu các năm 2021-2022 và 6 tháng đầu năm 2023, Ban nhận thấy ngành thuế đã quyết liệt triển khai các biện pháp quản lý thu, kiểm soát chặt chẽ nguồn thu, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, thu hồi nợ đọng và khai thác nguồn thu gắn liền với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế được tổ chức sản xuất và phát triển kinh doanh nhằm nuôi dưỡng nguồn thu nộp vào ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả thu ngân sách đạt cao và tăng qua từng năm thì tình hình nợ đọng thuế qua các năm cũng có xu hướng tăng cao cụ thể: tại thời điểm 31/12/2021 tổng nợ thuế cộng dồn là 1.244,1 tỷ đồng; 31/12/2022 tổng nợ thuế cộng dồn là 7.293,2 tỷ 'đồng; tính đến 30/4/2023 tổng nợ thuế cộng dồn là 10.429,4 tỷ đồng . Số nợ thuế lớn hiện nay tập trung ở một số doanh nghiệp như: Công ty Cổ phần Vinhomes - Chi nhánh tại Hưng Yên số tiền là 8.103,68 tỷ đồng; Công ty CP Bất động sản Vạn Thuận Phát nợ số tiền là 85 tỷ đồng; Công ty TNHH Đầu tư và phát triển An Phú nợ số tiền là 66 tỷ đồng; Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hồng Hải 56 tỷ đồng...;
b. Kết quả thực hiện việc miên thuế; giảm thuế; xóa nợ tiền thuế, khoanh tiền thuế nợ, không thu thuế; xử lý tiền nợ thuế; hoàn thuế theo quy định
- Về công tác thu nợ thuế trong giai đoạn từ 2021 đến nay ngành thuế đã thực hiện các biện pháp đôn đốc và cưỡng chế nợ thuế để thu hồi các khoản thuế vào ngân sách nhà nước cụ thể/ năm 2021 thu được 179,1 tỷ đồng; năm 2022 thu được 237 tỷ đồng; 06 tháng đầu năm 2023 thu được 2.017,6 tỷ đồng.
- Về công tác khoanh nợ, xóa nợ được thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 94/2019/QH14 về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước . Trên cơ sở đó trong năm 2021, Cục Thuế tỉnh đã ban hành Quyết định khoanh nợ tiền thuế cho 1.557 người nộp thuế với số tiền là 167 tỷ đồng, trình UBND tỉnh ban hành quyết định xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp cho 559 doanh nghiệp với số tiền là 31,3 tỷ đồng; năm 2022, Cục Thuế tỉnh ban hành Quyết định khoanh nợ tiền thuế cho 1.323 người nộp thuế với số tiền là 48,2 tỷ đồng, trình UBND tỉnh ban hành quyết định xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp cho 742 người nộp thuế với số tiền là 34,7 tỷ đồng; năm 2023 đến thời điểm 01/6/2023, Cục Thuế tỉnh ban hành Quyết định khoanh nợ tiền thuế cho 64 người nộp thuế với số tiền là 591 triệu đồng, trình UBND tỉnh ban hành quyết định xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp cho 385 người nộp thuế, số tiền là 8,4 tỷ đồng.
- Về thực hiện các chính sách miễn giảm thuế; hoàn thuế theo quy định năm 2021, Cục Thuế tỉnh Hưng Yên đã thực hiện miễn, giảm, hoàn thuế số tiền là 198,4 tỷ đồng và gia hạn 1.470,5 tỷ đồng cho người nộp thuế trên địa bàn tỉnh; năm 2022, Cục Thuế tỉnh Hưng Yên đã thực hiện miễn, giảm, hoàn thuế số tiền là 4.007,9 tỷ đồng và gia hạn 7.502 tỷ đồng cho người nộp thuế trên địa bàn tỉnh; đến thời điểm 30/6/2023, Cục Thuế tỉnh Hưng Yên đã thực hiện miễn, giảm, hoàn thuế số tiền là 207 tỷ đồng và gia hạn 848 tỷ đồng cho người nộp thuế trên địa bàn tỉnh.
c. Kết quả thực hiện việc quản lý thông tin người nộp thuế và thực hiện công tác cung cấp thông tin liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế cho người nộp thuế
Trong giai đoạn từ ngày 01/01/2021 -31/05/2023 số người nộp thuế được thành lập mới do ngành thuế quản lý là 7.092 người nộp thuế, đưa tổng số người nộp thuế đang hoạt động tính đến thời điểm 31/5/2023 là 31.211 người nộp thuế. (bao gồm: các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể...).
Nhìn chung, số doanh nghiệp được thành lập trong giai đoạn giám sát khá cao, tuy nhiên số lượng người nộp thuế giải thể, tạm dừng, bỏ địa chỉ kinh doanh không hoạt động vẫn ở mức cao (cụ thể số lượng người nộp thuế giải thể: 848 người nộp thuế; số người nộp thuế tạm ngừng kinh doanh có thời hạn: 1.064 người nộp thuế; số người nộp thuế bỏ địa chỉ, không hoạt động tại địa điểm kinh doanh: 2.157 người nộp thuế)..
1.3. Kết quả thực hiện kiểm tra thuế, thanh tra thuế
a. Kết quả thực hiện kiểm tra thuế, thanh tra thuế
Năm 2021: số cuộc thanh tra là 36 hoàn thành 100% kế hoạch được giao, số cuộc kiểm tra là 857, hoàn thành so với kế hoạch là 105%. Tổng số truy thu, thu hồi hoàn, xử phạt qua thanh tra, kiểm tra là 73.631 triệu đồng, giảm lỗ 397.558 triệu đồng, giảm khấu trừ 474 triệu đồng.
Năm 2022: số cuộc thanh tra là 38 hoàn thành 97% kế hoạch được giao, số cuộc kiểm tra là 703 hoàn thành vượt 14% so với kế hoạch. Tổng số truy thu, thu hồi hoàn, xử phạt qua thanh tra, kiểm tra là 59.496 triệu đồng, giảm lỗ 371.682 triệu đồng, giảm khấu trừ 32.555 triệu đồng.
Từ 01/01/2023 đến 31/5/2023: số cuộc thanh tra là 5, số cuộc kiểm tra là 142. Tổng số truy thu, thu hồi hoàn, xử phạt qua thanh tra, kiểm tra là 10.988 triệu đồng, giảm lỗ 53.422 triệu đồng, giảm khấu trừ 2.660 triệu đồng.
2. Việc chấp hành pháp luật về nghĩa vụ Thuế của người nộp thuế trên địa bàn tỉnh
Giai đoạn 2021-2022 và 6 tháng đầu năm 2023, theo báo cáo của ngành Thuế nhìn chung người nộp thuế chấp hành tốt chính sách pháp luật thuế trong việc kê khai và nộp thuế theo quy định. Tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký kê khai thuế qua mạng, nộp thuế điện tử đạt tỷ lệ cao, khoảng 99%. Số doanh nghiệp nộp hồ sơ kê khai qua mạng đúng thời hạn luôn chiếm tỷ lệ cao. Việc chấp hành chuyển đổi hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử được người nộp thuế thực hiện theo lộ trình hướng dẫn của ngành thuế. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp còn gặp sai sót, vi phạm trong quá trình tự kê khai và nộp thuế quy định cụ thể trong giai đoạn từ 01/01/2021 đến 31/5/2023, Cục Thuế đã ban hành 4.781 quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế số tiền xử phạt là 17,4 tỷ đồng.
Đối với việc chấp hành nghĩa vụ nộp thuế đối với ngân sách nhà nước, trong thời gian nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên bị ảnh hưởng nhưng một số doanh nghiệp lớn, trọng điểm trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì số nộp lớn đóng góp cho ngân sách nhà nước . Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có một số đơn vị có số nợ lớn, kéo dài ảnh hưởng đến số thu ngân sách nhà nước; một số ngành nghề kinh doanh còn ti ềm ẩn rủi ro, gian lận về thuế.
III. ĐÁNH GIÁ CHUNG
Nhìn chung trong giai đoạn từ 2021 đến nay, tình hình chấp hành pháp luật về quản lý thuế trong việc thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước cơ bản được cơ quan thuế các cấp và người nộp thuế chấp hành theo quy định. Các trường hợp vi phạm được phát hiện cơ bản được xử lý nghiêm túc, kịp thời; hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Quản lý thuế đã tạo tâm lý ổn định cho người nộp thuế trong quá trình tổ chức, quản lý và đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước. Do đó, số thu ngân sách nhà nước hàng năm đều có sự tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, góp phần đảm bảo nhu cầu chi ngân sách nhà nước của địa phương.
Việc ngăn chặn tình trạng vi phạm trong quản lý thuế, trốn thuế, gây thất thu cho ngân sách nhà nước được cơ quan thuế các cấp tăng cường các biện pháp thực hiện trong đó các biện pháp tuyên truyền, hỗ trợ và thực hiện thanh tra, kiểm tra thuế được ngành thuế quan tâm trú trọng để phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm, ngăn chặn tình trạng trốn thuế gây thất thu cho ngân sách nhà nước, bảo đảm tính công bằng, công khai, minh bạch trong công tác quản lý thuế.
Tuy số lượng các tổ chức, doanh nghiệp trong thời gian được thành lập và cấp mã số thuế theo dõi rất lớn nhưng chủ yếu là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ hoạt động kinh doanh kém hiệu quả, tỷ lệ doanh nghiệp không đóng góp cho ngân sách (ngoài thuế môn bài) chiếm tỷ lệ cao chủ yếu do các Chi cục Thuế khu vực các huyện, thị xã, thành phố quản lý do vậy tình hình thu ngân sách của các huyện, thị xã, thành phố còn gặp khó khăn, đặc biệt là các huyện chưa phát triển mạnh công nghiệp và thương mại dịch vụ.
IV. TỒN TẠI, HẠN CHẾ VÀ NGUYÊN NHÂN
Bên cạnh những kết quả được, công tác quản lý và chấp hành pháp luật Thuế trên địa bàn tỉnh còn nhiều tồn tại, hạn chế cụ thể:
1. Nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước còn gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nghiêm trọng, kéo dài ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và hộ kinh doanh; nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, thu hẹp sản xuất hoặc đóng cửa, nguồn thu từ thuế ngoài quốc doanh; thu vãng lai ngoài tỉnh bị giảm mạnh. Một số chính sách miễn giảm thuế, gia hạn thuế cũng ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả thu ngân sách. Các khoản thu tăng cao chủ yếu nằm ở khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản tại các khu đô thị lớn  đóng góp.
Công tác thu ngân sách tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh còn khó khăn do số lượng doanh nghiệp có dự án trên địa bàn còn ít đa số là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trong đó nhiều doanh nghiệp còn trong giai đoạn khấu trừ thuế, chưa phát sinh doanh thu và số thuế phải nộp vào ngân sách nhà nước; nhiều địa phương số doanh nghiệp có phát sinh nghĩa vụ thuế (ngoài thuế môn bài) chiếm tỷ lệ thấp so số doanh nghiệp đang hoạt động (chỉ khoảng 10%).
2. Công tác quản lý nợ thuế gặp nhiều khó khăn do một số doanh nghiệp có số nợ lớn nhưng gặp khó khăn về tài chính, chờ giải thể, phá sản không có khả năng nộp thuế. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp chây ỳ trong việc nộp tiền nợ thuế, do vậy số nợ thuế trên địa bàn vẫn còn cao so với mục tiêu đề ra; tình trạng nợ đọng thuế có xu hướng tăng nhưng việc triển khai thực hiện công tác cưỡng chế nợ thuế trong thực tế gặp rất nhiều khó khăn.
3. Việc đăng ký kinh doanh và cấp mã số thuế đối với người nộp thuế được thực hiện đơn giản và thông thoáng do vậy số doanh nghiệp được thành lập tăng cao nhưng trên thực tế tỷ lệ số doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả đóng góp cho ngân sách nhà nước còn thấp, nhiều doanh nghiệp thành lập nhưng không phát sinh hoạt động sản xuất kinh doanh, không phát sinh nghĩa vụ thuế phải nộp vào ngân sách nhà nước (ngoài thuế môn bài) không xác định được địa điểm và thông tin doanh nghiệp; số lượng doanh nghiệp quản lý ngày càng tăng cao, nhiều doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro về thuế và hóa đơn, một số doanh nghiệp ý thức tuân thủ còn hạn chế.
4. Công tác tổ chức nhân sự của ngành thuế thực hiện hoạt động thanh tra, kiểm tra của ngành thuế chưa tương xứng với khối lượng công việc và nhiệm vụ theo quy định. Cơ sở vật chất phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra thuế chưa đủ mạnh; phương pháp và tiêu chí xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra chủ yếu dựa vào kết quả phân tích của phần mềm ứng dụng tin học nên đôi khi chưa đánh giá đúng kết quả và mức rủi ro trong hoạt động kinh doanh của người nộp thuế.
5. Công tác phối hợp giữa ngành thuế đối với các cơ quan hữu quan và chính quyền địa phương trong việc quản lý người nộp thuế hoạt động trên địa bàn còn hạn chế dẫn đến còn tình trạng doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh trên các địa bàn mà chưa có biện pháp xử lý hiệu quả.
6. Việc tham mưu ban hành hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) hằng năm chưa kịp thời cho năm tới, chưa có quy định giá đất cụ thể trong các khu đô thị dẫn tới khó khăn cho ngành thuế trong việc triển khai các nhiệm vụ thu ngân sách như thu tiền sử dụng đất từ một số dự án bất động sản lớn, thu thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ từ hoạt động nhận chuyển nhượng bất động sản.
IV. KIẾN NGHỊ
1. Đối với Ủy ban nhân dân tỉnh
- Chỉ đạo các sở ngành, chính quyền địa phương có liên quan hỗ trợ ngành Thuế trong công tác thu hồi nợ đọng đối với những doanh nghiệp có số thuế lớn và chây ỳ không nộp tiền thuế. Đối với khoản nợ tiền thuê đất lớn, kéo dài, xem xét xử lý thu hồi đất hoặc kiến nghị thu hồi giấy phép đầu tư theo quy định.
- Chỉ đạo thành lập đoàn thanh tra liên ngành để tiến hành thanh tra đối với các doanh nghiệp tiềm ẩn rủi ro như các doanh nghiệp thực hiện dự án được hưởng ưu đãi miễn giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất. Đặc biệt là các dự án liên quan đến xây dựng nhà ở xã hội, các dự án ưu đãi trong lĩnh vực xã hội hóa, các dự án ưu đãi ngành nghề...
- Chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm tham mưu UBND tỉnh ban hành hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) hằng năm, bảng giá đất chi tiết tại các khu đô thị trên địa bàn và đơn giá đất với các dự án bất động sản để cơ quan thuế kịp thời ra thông báo thu tiền sử dụng đất và có căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản.
2. Đối với Cơ quan quản lý thuế
2.1. Cục Thuế tỉnh
- Kịp thời có văn bản kiến nghị Chính phủ, Tổng Cục Thuế hướng dẫn chi tiết đối với những nội dung quy định tại các Nghị định số 92/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 và Nghị 'định 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 cụ thể, chi tiết để người nộp thuế đế tiếp cận dễ thực hiện đảm bảo tránh sai sót trong quá trình kê khai, nộp thuế và làm thủ tục hoàn thuế; rà soát nghiên cứu những bất cập trong công tác quản lý thuế tổng hợp đề xuất sửa đổi bổ sung luật quản lý thuế đảm bảo phù hợp với thực tế.
- Tăng cường thực hiện và chỉ đạo toàn ngành thuế tại địa phương để thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của ngành Thuế như: dự báo và xây dựng dự toán thu ngân sách hằng năm phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và huyện, thị xã, thành phố; tích cực thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách trong năm 2023 đảm bảo theo dự toán giao đặc biệt trú trọng theo dõi, đôn đốc thực hiện những khoản thu khó hoàn thành như thu tiền sử dụng đất, thu lệ phí trước bạ...; tăng cường công tác quản lý rủi ro về hoá đơn điện tử; khoanh vùng rủi ro để tổ chức thanh tra, kiểm tra kịp thời.
- Tích cực thực hiện các biện pháp tuyên truyền và đôn đốc có hiệu quả các doanh nghiệp nợ thuế không kịp thời nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước theo thời hạn quy định của Luật quản lý Thuế.
2.2. Chi Cục Thuế khu vực các huyện, thị xã, thành phố
- Tích cực phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương cấp huyện trong việc xây dựng dự toán thu đảm bảo nhiệm vụ chính trị địa phương và tổ chức thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách của cấp huyện đảm bảo theo kế hoạch giao năm 2023, đặc biệt trú trọng đôn đốc thu những khoản thu khó hoàn thành dự toán như khoản thu tiền sử dụng đất trên địa bàn một số huyện, thị xã, thành phố; lệ phí trước bạ trên phạm vi toàn tỉnh do ảnh hưởng chính ưu đãi giảm thuế trong 6 tháng cuối năm 2023.
- Phối hợp với chính quyền địa phương có biện pháp quản lý tốt đối với các đối tượng người nộp thuế là các hộ kinh doanh cá thể đây là đối tượng người nộp thuế chiếm tỷ cao tại các địa phương cần nuôi dưỡng và phát triển nguồn thu. Do vậy cần thực hiện các biện pháp đánh giá chính xác để ấn định thuế sát với tình hình kinh doanh của các đối tượng này.
- Tích cực rà soát các tổ chức, doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro về thuế và hóa đơn điện tử thuộc đối tượng quản lý của cơ quan thuế tại địa phương để khoanh vùng thực hiện công tác kiểm tra thuế và kịp thời chuyển cơ quan chức năng xử lý các vi phạm theo quy định.
3. Các sở, ngành có liên quan
- Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với ngành Thuế rà soát những quy định còn bất cập trong việc cấp đăng ký kinh doanh, cấp mã số thuế cho các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, đồng thời tăng cường việc đánh giá thông tin của các doanh nghiệp trong thực tế nhằm giảm thiểu rủi ro trong công tác đăng ký, quản lý doanh nghiệp. 
- Sở Tài Chính phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường hằng năm kịp thời tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) đảm bảo thời gian theo quy định. Nghiên cứu tham mưu bảng giá đất chi tiết tại các khu đô thị trên địa bàn và đơn giá đất với các dự án bất động sản làm căn cứ thu tiền sử dụng đất và tính thuế đảm bảo theo quy định.
Trong quá trình xây dựng dự toán ngân sách quan tâm hỗ trợ kinh phí cho ngành Thuế để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế và hiện đại hóa ngành thuế giúp người nộp thuế nâng cao nhận thứ và chấp hành nghĩa vụ thuế theo quy định từ đó làm giảm thiểu rủi ro và nâng cao nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
4. Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố
- Tăng cường công tác phối hợp với Chi Cục Thuế khu vực trong công tác quản lý người nộp thuế trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố; xây dựng dự toán thu ngân sách tổ chức thực hiện nhiệm vụ thu tại địa phương phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội và nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đặc biệt các sắc thu khó hoàn thành kế hoạch.
- Hỗ trợ ngành thuế trong công tác đôn đốc thu nợ thuế của người nộp thuế hoạt động kinh doanh trên địa bàn; hỗ trợ thực hiện các biện pháp tuyên truyền trong việc chấp hành pháp luật thuế đảm bảo theo quy định.

Tin mới nhất

KẾ HOẠCH Khảo sát hiệu quả sử dụng vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ xây dựng các công trình phục vụ xây...(14/08/2024 2:57 CH)

KẾ HOẠCH Giám sát việc thực hiện các kiến nghị tại các Thông báo, Báo cáo kết quả giám sát, khảo...(02/08/2024 4:21 CH)

Ban Kinh tế Ngân sách HĐND tỉnh giám sát chuyên đề kết quả triển khai thực hiện Chương trình phát...(17/06/2024 2:40 CH)

Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh giám sát chuyên đề kết quả triển khai thực hiện Chương trình...(14/06/2024 4:22 CH)

Giám sát về chương trình phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tỉnh Hưng Yên tại Ban Quản...(12/06/2024 3:18 CH)

°
49 người đang online