THÔNG BÁO Kết luận của Chủ tịch HĐND tỉnh tại Hội nghị giao ban giữa Thường trực HĐND tỉnh với Thường trực HĐND huyện, thị xã, thành phố lần thứ Bảy, nhiệm kỳ 2021-2026

Ngày 27 tháng 9 năm 2024, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức Hội nghị giao ban giữa Thường trực HĐND tỉnh với Thường trực HĐND huyện, thị xã, thành phố lần thứ Bảy, nhiệm kỳ 2021-2026 tại huyện Ân Thi.

Tham dự Hội nghị có Thường trực HĐND tỉnh; lãnh đạo Đoàn ĐBQH tỉnh; lãnh đạo Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam tỉnh; lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh; lãnh đạo Thanh tra tỉnh; lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh; Thường trực HĐND, lãnh đạo các Ban HĐND, đại diện lãnh đạo phòng Thanh tra và Văn phòng HĐND và UBND các huyện, thị xã, thành phố. Sau khi nghe Thường trực HĐND tỉnh báo cáo kết quả hoạt động của Thường trực HĐND cấp tỉnh, cấp huyện 8 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ những tháng cuối năm 2024; ý kiến thảo luận của các đại biểu dự Hội nghị, trong đó tập trung thảo luận nội dung chuyên đề “Một số kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát, theo dõi việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân”, đồng chí Trần Quốc Toản, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì Hội nghị kết luận:

  1. Kết quả 8 tháng đầu năm 2024

Thường trực HĐND cấp tỉnh, cấp huyện chuẩn bị nội dung và tiến hành các Kỳ họp chu đáo, có sự phối hợp chặt chẽ giữa Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật. Công tác thẩm tra của các Ban HĐND cấp tỉnh, cấp huyện được thực hiện đúng quy trình, quy định. 8 tháng đầu năm 2024, đã chủ trì, tổ chức 29 kỳ họp; thông qua và ban hành 338 Nghị quyết về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh quan trọng của địa phương, kịp thời thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước thành cơ chế, chính sách của địa phương, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để các cấp, các ngành chỉ đạo thực hiện, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025.

Hoạt động giám sát tại kỳ họp đi vào nền nếp, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả kỳ họp. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục được quan tâm thực hiện; phiên chất vấn tại các kỳ họp thường lệ diễn ra sôi nổi, thẳng thắn, nghiêm túc, trách nhiệm. Tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát, khảo sát (tính đến hết tháng 8 năm 2024, cấp tỉnh tố chức 14 cuộc giám sát, khảo sát; cấp huyện tố chức 43 cuộc giám sát trên các lĩnh vực kinh tế - ngân sách, văn hóa - xã hội, an ninh quốc phòng); qua đó đã có 564 đề xuất, kiến nghị trên các lĩnh vực chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết, chấn chỉnh những hạn chế trong công tác quản lý, điều hành và thực thi nhiệm vụ ở địa phương. Tổ chức các đợt tiếp công dân, tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; việc xử lý chuyển đơn đều thông báo tới các tổ chức, công dân có đơn gửi để theo dõi, giám sát việc thực hiện theo quy định. Vai trò chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động giữa Thường trực HĐND, các Ban HĐND với UBND, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện, các cơ quan tư pháp ngày càng chặt chẽ và hiệu quả hơn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của Thường trực, các Ban HĐND hai cấp còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục như: việc chỉ đạo các Ban trong công tác phối hợp chuẩn bị một số nội dung trình HĐND, Thường trực HĐND của các cơ quan trình còn chậm, ảnh hưởng đến chất lượng xem xét, quyết định. Chất lượng ban hành Nghị quyết của HĐND một số huyện chưa cao, còn sai sót về kỹ thuật trình bày. Một số nội dung thẩm tra của các Ban HĐND, nhất là các Ban HĐND cấp huyện chất lượng chưa cao. Công tác theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Nghị quyết của HĐND đối với UBND cùng cấp có lúc, có việc chưa sâu sát. Việc theo dõi, đôn đốc thực hiện các ý kiến, kiến nghị của cử tri có việc chưa quyết liệt.

  1. Yêu cầu trong thời gian tới
    1. Ủy ban nhân dân tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền
  • Chỉ đạo cơ quan thanh tra, Ban Tiếp công dân tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường tiếp công dân, đối thoại với công dân định kỳ hoặc đột xuất; tập trung để giải quyết kiến nghị, phản ánh của công dân; thực hiện đầy đủ các nội dung có liên quan đến hoạt động tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân đúng quy định.
  • Kịp thời đưa vào sử dụng Phần mềm cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo để hạn chế tình trạng trùng lặp trong việc thống kê, phân loại số lượt tiếp dân, số đơn thư, số vụ việc và việc gửi đơn thư kéo dài của công dân. Chủ động, kịp thời kết nối, phối hợp với trụ sở Tiếp công dân Trung ương tại Hà Nội để giải thích, vận động công dân của địa phương về để xem xét, giải quyết, không để xảy ra việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp tại Hà Nội.
  • Thực hiện nghiêm trách nhiệm chuẩn bị và trình Kỳ họp thường lệ giữa năm, cuối năm của HĐND các báo cáo theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 59 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, bảo đảm chất lượng, tiến độ, nhất là báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
    1. Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh và Thường trực HĐND huyện, thị xã, thành phố
  • Chủ động phối hợp, đôn đốc, tập trung hoàn thành 100% chương trình hoạt động và triển khai các nhiệm vụ khác theo kế hoạch, yêu cầu công tác của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND các cấp năm 2024. Tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 489/QĐ-TTg ngày 10/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050,... góp phần thưc hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh, cấp huyện về mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp năm 2024, Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025.
  • Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nghiêm các nghị quyết, kết luận, quy định của Trung ương, của Tỉnh về công tác cán bộ và thường xuyên kiểm tra, giám sát, tổ chức thực hiện đồng bộ các khâu trong công tác cán bộ. Tiếp tục tham mưu Ban Thường vụ cùng cấp rà soát, thực hiện công tác điều động, luân chuyển, sắp xếp, kiện toàn đội ngũ cán bộ dân cử, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, chuẩn bị cho phương án công tác nhân sự Đại hội đảng nhiệm kỳ 2025-2030 gắn với nhân sự lãnh đạo HĐND cấp tỉnh, cấp huyện nhiệm kỳ 2026-2031.
  • Thường trực HĐND các cấp chủ động chỉ đạo, đôn đốc, phối hợp với UBND, Ủy ban MTTQ cùng cấp, các Ban HĐND và các cơ quan có liên quan để chuẩn bị đầy đủ, kịp thời nội dung, tài liệu các kỳ họp, xây dựng dự thảo các báo cáo, đề án, nghị quyết trình kỳ họp, tăng cường công tác khảo sát trực tiếp tại cơ sở, đối tượng chịu tác động của chính sách làm căn cứ thực tiễn trong quá trình tổ chức thẩm tra,...; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc tổ chức các kỳ họp, phiên chất vấn HĐND, nhất là Kỳ họp thường lệ cuối năm 2024.
  • Tăng cường hoạt động giám sát thường xuyên việc thực hiện Nghị quyết của HĐND về đầu tư công trung hạn và năm 2024 gắn với các quy định của Luật Đầu tư công.
  • Nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động giám sát, khảo sát. Triển khai thực hiện tốt các Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo; có kế hoạch tổ chức tiếp công dân của đại biểu HĐND phục vụ Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng theo Văn bản số 53-CV/TW ngày 17/9/2024 của Trung ương Đảng, Kế hoạch số 1233/KH-TTCP ngày 13/6/2024 của Thanh tra Chính phủ bảo đảm phù hợp tình hình thực tế địa phương, không để đơn thư khiếu kiện kéo dài, phát sinh “điểm nóng” về an ninh trật tự. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, của đại biểu HĐND tỉnh trong việc tiếp công dân tại đơn vị bầu cử; phân loại, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân, chuyển xử lý bảo đảm đúng thẩm quyền theo quy định.

Ban Pháp chế HĐND tỉnh, Ban Pháp chế HĐND cấp huyện phối hợp với Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, Văn phòng HĐND-UBND huyện, thị xã, thành phố định kỳ hằng tháng rà soát kết quả giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo trên địa bàn, nhất là đối với những vụ việc phức tạp, kéo dài; tham mưu Thường trực HĐND ban hành văn bản đôn đốc việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân và đề nghị cơ quan cấp trên trực tiếp kiểm điểm trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền, nhất là người đứng đầu trong việc chậm giải quyết, trả lời đơn thư do Thường trực HĐND chuyển đến.

Tăng cường đối thoại, giải quyết kịp thời, đúng quy định các vụ việc khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị, của công dân thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, đơn vị ngay từ cơ sở; theo dõi, đôn đốc việc báo cáo kết quả tiếp công dân hàng tháng của các Tổ đại biểu HĐND về Thường trực HĐND. Thường xuyên
giám sát việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân, nhất là các vụ việc phức tạp, nổi cộm, đông người, kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm hoặc vi phạm trình tự, thủ tục, thời hạn giải quyết. Lựa chọn những vấn đề đã khiếu nại, tố cáo nhiều lần chưa được giải quyết hoặc giải quyết chưa dứt điểm để đưa ra chất vấn tại kỳ họp HĐND hoặc phiên họp Thường trực HĐND. Đối với những vụ việc phức tạp, Thường trực HĐND phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN cùng cấp tổ chức giám sát chuyên đề theo quy định.

Nâng cao chất lượng thẩm tra Báo cáo tình hình tiếp công dân, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh của công dân do UBND trình kỳ họp của HĐND, phân tích chỉ rõ các nguyên nhân, tồn tại, hạn chế, kiến nghị các giải pháp để UBND các cấp, các sở, ngành chức năng tăng cường trách nhiệm, nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ.

Chi tiết tại Thông báo số 724/TB-CTHĐND:

VP Tổng hợp

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
122 người đang online