THÔNG BÁO Kết luận của Chủ tịch HĐND tỉnh tại Hội nghị giao ban giữa Thường trực HĐND tỉnh với Thường trực HĐND huyện, thị xã, thành phố lần thứ Năm, nhiệm kỳ 2021-2026

Ngày 30 tháng 8 năm 2023, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức Hội nghị giao ban giữa Thường trực HĐND tỉnh với Thường trực HĐND huyện, thị xã, thành phố lần thứ Năm, nhiệm kỳ 2021-2026 tại trụ sở Huyện ủy - HĐND - UBND huyện Văn Lâm. Đồng chí Trần Quốc Toản, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có các đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo Đoàn ĐBQH tỉnh; lãnh đạo UBND tỉnh; đại diện Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh; lãnh đạo các Văn phòng: Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, UBND tỉnh; Thường trực HĐND, lãnh đạo các Ban HĐND và đại diện lãnh đạo Văn phòng HĐND và UBND các huyện, thị xã, thành phố.

Sau khi nghe Thường trực HĐND tỉnh báo cáo kết quả hoạt động của Thường trực HĐND cấp tỉnh, cấp huyện 8 tháng đầu năm; nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2023; ý kiến thảo luận của các đại biểu dự Hội nghị, trong đó tập trung thảo luận về chủ đề “Nâng cao hiệu quả công tác thẩm tra của các Ban HĐND đối với các báo cáo, tờ trình, đề án, dự thảo nghị quyết trình tại Kỳ họp HĐND”, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh kết luận:

  1. Tám tháng đầu năm 2023, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan hữu quan và sự ủng hộ, tin tưởng của cử tri, nhân dân trong tỉnh, Thường trực HĐND cấp tỉnh, cấp huyện tỉnh Hưng Yên đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo Luật định. HĐND 2 cấp đã tổ chức 24 kỳ họp, ban hành 223 Nghị quyết cụ thể hóa chủ trương của Trung ương, của Tỉnh ủy, bám sát với thực tiễn, đúng quy định của pháp luật và đảm bảo sự lãnh đạo của cấp ủy, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác chỉ đạo, điều hành của UBND cùng cấp, tạo cơ chế chính sách, phát huy tiềm năng, thế mạnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và từng địa phương. Thường trực HĐND, các Ban HĐND hai cấp đã tổ chức 48 cuộc giám sát, khảo sát đối với UBND cùng cấp và các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và Nghị quyết của HĐND trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa xã hội, ngân sách nhà nước, hoạt động của các cơ quan tư pháp... Đặc biệt, trong quý II năm 2023, HĐND tỉnh tổ chức giám sát việc tổ chức thực hiện của chính quyền địa phương trong triển khai thực hiện Kế hoạch số 88-KH/TU ngày 05/02/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ Sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Qua giám sát đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong quá trình các cơ quan thuộc khối chính quyền thực hiện Kế hoạch số 88-KH/TU của Tỉnh ủy; kiến nghị, đề xuất UBND tỉnh thực hiện và chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện 10 nhiệm vụ trọng tâm trong sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị từ nay đến hết năm 2023 và những năm tiếp theo. Hoạt động tiếp công dân, tiếp xúc cử tri thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm, góp phần gắn kết đại biểu HĐND với cử tri; qua đó phản ánh được chính xác tâm tư nguyện vọng của cử tri và Nhân dân, góp phần trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của địa phương. Vai trò của Thường trực HĐND gắn với chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND ngày càng được nâng lên, đảm bảo vị thế của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.
  2. Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của Thường trực, các Ban HĐND hai cấp còn một số tồn tại cần khắc phục như: công tác chuẩn bị một số Báo cáo, Đề án, Tờ trình, dự thảo Nghị quyết của một số cơ quan trình tại Kỳ họp còn chưa đảm bảo theo quy định, ảnh hưởng đến thời gian thẩm tra của các Ban HĐND và gửi tài liệu đến đại biểu nghiên cứu trước kỳ họp. Hiệu quả giám sát ở một số lĩnh vực có lúc chưa cao. Công tác chỉ đạo đôn đốc, giám sát các cơ quan chức năng giải quyết kiến nghị sau giám sát của HĐND, các Ban của HĐND, ý kiến phản ánh của cử tri và những nội dung cam kết khi trả lời chất vấn chưa thường xuyên. Một số nội dung trong Nghị quyết của HĐND tỉnh và kết luận, ý kiến chỉ đạo của Thường trực HĐND tỉnh chưa được giám sát, đôn đốc một cách quyết liệt, nhất là về giải ngân vốn đầu tư công, giải quyết các thủ tục vướng mắc về giải phóng mặt bằng... Việc tổ chức các phiên họp thường kỳ của Thường trực HĐND để nghe các cơ quan liên quan giải trình, làm rõ một số nội dung kiến nghị của cử tri và nhân dân chưa được thực hiện thường xuyên. Việc đôn đốc, theo dõi giải quyết các kiến nghị, kết luận sau giám sát hiệu quả chưa cao. Công tác giám sát, đôn đốc việc giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa quyết liệt. Việc thực hiện chế độ báo cáo định kỳ của Thường trực HĐND huyện, thị xã, thành phố với Thường trực HĐND tỉnh còn chưa đảm bảo chất lượng và thời gian theo quy định.
  3. về nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2023

Để khắc phục những bất cập trong hoạt động của Thường trực, các Ban HĐND hai cấp trong thời gian qua, tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động trong những tháng cuối năm 2023 và những năm tiếp theo, Thường trực HĐND, các Ban HĐND cấp tỉnh, cấp huyện cần tiếp tục thực hiện tốt Kết luận tại Hội nghị giao ban lần thứ Tư của Thường trực HĐND tỉnh với Thường trực HĐND cấp huyện (tổ chức ngày 01/3/2023) và các nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến hết năm 2023; trong đó tập trung thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm sau:

  1. Các Ban HĐND tỉnh, Thường trực HĐND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường giám sát việc giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn, chú trọng xác định rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các công trình, dự án để kiến nghị giải quyết nhằm phấn đấu giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023. Thường trực HĐND huyện, thị xã, thành phố chủ động phối hợp với UBND cùng cấp đánh giá những khó khăn, vướng mắc cụ thể của từng dự án để báo cáo cấp ủy kịp thời chỉ đạo, khắc phục.
  2. Tập trung tuyên truyền, quán triệt và tổ chức tốt việc lấy phiếu tín nhiệm đối với những chức danh do HĐND bầu theo Quy định số 96-QĐ/TW ngày 02/2/2023 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 96/2023/QH15 ngày 23/6/2023 của Quốc hội, Hướng dẫn số 599/UbtVQh15-CTĐB ngày 21/8/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Kế hoạch số 191-KH/TU ngày 12/5/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Kế hoạch số 566/KH-HĐND ngày 08/8/2023 của Thường trực HĐND tỉnh. Chỉ đạo thực hiện việc gửi, nhận hồ sơ của người được lấy phiếu tín nhiệm đảm bảo thời gian theo quy định. Chỉ đạo chuẩn bị tốt Báo cáo đánh giá tình hình tổ chức và kết quả hoạt động của HĐND, UBND cấp tỉnh, cấp huyện từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến thời điểm lấy phiếu tín nhiệm làm căn cứ để đánh giá chính xác kết quả hoạt động của người được lấy phiếu tín nhiệm. Tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đảm bảo khách quan, dân chủ, công khai, minh bạch; bảo đảm đánh giá đúng thực chất kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của người được lấy phiếu tín nhiệm.
  3. Tiếp tục nâng cao chất lượng kỳ họp của HĐND các cấp. HĐND chủ động phối hợp với Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp thống nhất nội dung, xây dựng chương trình kỳ họp, chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức kỳ họp bảo đảm chất lượng, đúng quy định. Nhất là trong việc rà soát quy định pháp luật, chủ trương lãnh đạo của cấp uỷ, thực tiễn của địa phương để đề nghị Thường trực HĐND xem xét đưa việc ban hành cơ chế, chính sách vào chương trình kỳ họp bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế và khả năng về nguồn lực.
  4. Tổ chức thực hiện tốt việc tổng kết 07 năm thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; đánh giá khách quan, toàn diện thực tiễn thi hành Luật; làm rõ những kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc, hạn chế bất cập và nguyên nhân trong thi hành Luật, từ đó đề xuất các giải pháp để tháo gỡ và kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân và các quy định khác có liên quan nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND các cấp. Sắp xếp, bố trí thời gian giám sát hợp lý; tiến hành giám sát có trọng tâm, trọng điểm; kết luận, kiến nghị sau giám sát rõ ràng, cụ thể. Chú trọng giám sát việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, đảm bảo thực hiện nghiêm chính sách, pháp luật của nhà nước, nghị quyết của HĐND, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp. Thông qua hoạt động giám sát, Thường trực HĐND tăng cường công tác tham mưu cấp uỷ chính quyền địa phương để kịp thời kiến nghị, đề xuất giải pháp nhằm hạn chế vướng mắc, khó khăn, giảm thiểu ách tắc, điểm nghẽn cản trở quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn.
  5. Quan tâm đẩy nhanh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của HĐND, trọng tâm là xây dựng và thực hiện kế hoạch chuyển đổi số, hệ thống hóa và triển khai đồng bộ việc số hóa các hoạt động của HĐND các cấp.

3.6. Đối với chủ đề thảo luận “Nâng cao hiệu quả công tác thẩm tra của các Ban HĐND đối với các báo cáo, tờ trình, đề án, dự thảo nghị quyết trình tại Kỳ họp HĐND”

  • Thường trực HĐND cần thống nhất chương trình kỳ họp sớm để phân công nội dung thẩm tra cho các Ban, tạo điều kiện để các Ban của HĐND chủ động thu thập đầy đủ thông tin, nghiên cứu kỹ lưỡng tài liệu cần thiết phục vụ công tác thẩm tra và triển khai thực hiện quy trình thẩm tra. Các Ban HĐND thực hiện tốt công tác phối hợp trong quá trình thẩm tra. Thường trực HĐND, các Ban của HĐND phải làm việc chặt chẽ với UBND và các cơ quan liên quan yêu cầu thực hiện nghiêm túc quy trình, thủ tục soạn thảo nội dung trình đúng quy định của pháp luật; các nội dung có chứa quy phạm pháp luật phải đảm bảo trình tự, thời gian theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn.
  • Các Ban HĐND tiếp tục nâng cao năng lực hoạt động thực tiễn, tăng cường giám sát để nắm thông tin phục vụ công tác thẩm tra. Cần coi trọng công tác tổng hợp lưu trữ, cập nhật thông tin thường xuyên về tình hình kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng; chủ động thu thập thông tin ngay từ trong quá trình thực hiện giám sát thường xuyên, chuyên đề, tiếp xúc cử tri,.... Lãnh đạo các Ban cần được tham dự các Hội nghị liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Ban; các Hội nghị của Ban Thường vụ; Ban Chấp hành Đảng bộ khi thảo luận, thông qua các nội dung trình tại kỳ họp HĐND, để kịp thời nắm bắt thông tin, thống nhất quan điểm chỉ đạo, góp phần nâng cao chất lượng trong hoạt động thẩm tra của các Ban về nội dung có liên quan.
  • Khi thẩm tra cụ thể từng nội dung, trong trường hợp cần thiết có thể tham vấn ý kiến các chuyên gia và những người có kinh nghiệm chuyên sâu về lĩnh vực đang tiến hành thẩm tra. Kết luận của việc thẩm tra phải cụ thể rõ ràng về những vấn đề trọng tâm, có đề xuất phương hướng, biện pháp giải quyết để nghị quyết khi ban hành đạt chất lượng và thực sự đi vào cuộc sống. Đối với các đề án, dự thảo nghị quyết chưa đảm bảo yêu cầu, chưa phù hợp với tình hình của địa phương, các Ban cần thể hiện rõ quan điểm, đồng thời phân tích những bất cập hoặc những vấn đề cần trao đổi để báo cáo HĐND xem xét, quyết định.
  • Chất lượng hoạt động của các Ban HĐND nói chung, hoạt động thẩm tra các văn bản trình Kỳ họp nói riêng gắn liền với chất lượng hoạt động của từng thành viên Ban, nhất là đội ngũ lãnh đạo Ban hoạt động chuy ên trách. Đề nghị Thường trực HĐND huyện, thị xã, thành phố quan tâm kiện toàn tổ chức của các Ban HĐND (nếu thiếu); tăng cường bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ, năng lực, trách nhiệm, kỹ năng hoạt động thẩm tra, giám sát của từng thành viên các Ban của HĐND. Công khai, minh bạch thông tin về nội dung cần thẩm tra đến cán bộ, công chức chuyên môn để nâng cao hiệu quả thẩm tra.
  • Chi tiết tại Thông báo số:658/TB-TTHĐND
VP Tổng hợp

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
34 người đang online