Quốc hội triển khai chương trình giám sát năm 2024

Ngày 17/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến triển khai thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024. Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội chủ trì hội nghị.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hưng Yên

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hưng Yên

Dự hội nghị tại điểm cầu Hưng Yên có các đồng chí: Đào Hồng Vận, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Nguyễn Đại Thắng, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh cùng các ĐBQH tỉnh, đại diện Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh…

Tại hội nghị, các đại biểu nghe báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023. Theo đó, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tích cực tham mưu xây dựng, hoàn thiện thể chế về giám sát. Hoạt động giám sát chuyên đề tiếp tục được chú trọng với nhiều đổi mới trong công tác tổ chức thực hiện; hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm chỉ đạo. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục có nhiều đổi mới, để lại dấu ấn trong hoạt động giám sát…

Năm 2024, Quốc hội xác định mục tiêu giám sát phải được triển khai đồng bộ với quá trình triển khai xây dựng và thực hiện chính sách pháp luật. Trong đó, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao 2 chuyên đề, gồm: Chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội và về một số dự án quan trọng của quốc gia; quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội, dự kiến tiến hành tại kỳ họp thứ 7 và thứ 8. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát 2 chuyên đề: Về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại phiên họp tháng 8 và tháng 9/2024. Về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, Quốc hội tổ chức 2 phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 7 và thứ 8. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn tại phiên họp tháng 3 và tháng 8/2024, trong đó, tại phiên họp tháng 3 sẽ chất vấn các vấn đề “nóng”, nổi lên và tại phiên họp tháng 8 sẽ giám sát lại.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận các giải pháp tổ chức triển khai hiệu quả chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, đối với các chuyên đề giám sát lần này cần đi sâu, làm rõ việc chọn phương thức giám sát bảo đảm linh hoạt, hiệu quả gắn với kết quả thực thi văn bản pháp luật trên thực tế; giải pháp huy động có hiệu quả sự tham gia của cơ quan Kiểm toán Nhà nước, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các chuyên gia; cơ chế phối hợp hiệu quả, trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tổ chức triển khai các chuyên đề giám sát của Quốc hội và của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Vương Đình Huệ đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn ĐBQH, các vị ĐBQH phát huy tinh thần chủ động trong hoạt động giám sát. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Kết luận của Đảng đoàn Quốc hội về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát của Quốc hội. Căn cứ chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và điều kiện, tình hình thực tế, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH, các ĐBQH chủ động xây dựng, triển khai thực hiện chương trình giám sát của mình, báo cáo kết quả thực hiện theo quy định của pháp luật. Các Đoàn ĐBQH bám sát kế hoạch của các đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chủ động phối hợp với HĐND, Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp tổ chức giám sát về nội dung chuyên đề và gửi báo cáo kết quả theo yêu cầu của các Đoàn giám sát. Đề nghị MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan ở Trung ương và địa phương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH và các ĐBQH trong hoạt động giám sát. Cá nhân, người đứng đầu cơ quan, tổ chức chịu sự giám sát có trách nhiệm trực tiếp báo cáo, trình bày những vấn đề mà chủ thể giám sát yêu cầu; trường hợp không thể trực tiếp báo cáo, trình bày được thì ủy quyền cho cấp phó theo quy định. Các cơ quan chịu sự giám sát thực hiện đầy đủ, kịp thời, nghiêm túc kết luận, kiến nghị sau giám sát và báo cáo kết quả thực hiện đến Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định…

 
Nguồn tin: Báo Hưng Yên

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
30 người đang online