19/01/2024 | lượt xem: 1 QUỐC HỘI CHÍNH THỨC THÔNG QUA LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI) SAU 4 KỲ HỌP: THÀNH QUẢ TỪ QUYẾT TÂM NỖ LỰC CAO, HÀNH ĐỘNG QUYẾT LIỆT, THẬN TRỌNG, PHỐI HỢP CHẶT CHẼ, HIỆU QUẢ Sáng 18/01, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Luật Đất đai (sửa đổi) đã chính thức được Quốc hội khóa XV biểu quyết thông qua với tỉ lệ tán thành cao. Trong lịch sử lập pháp của Quốc hội, có lẽ chưa dự án nào trải qua quy trình đặc biệt như dự án Luật Đất đai lần này khi trải qua 4 kỳ họp Quốc hội, 02 Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, 08 phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nhiều buổi làm việc do Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội chủ trì. Điều này cho thấy tư duy và phương pháp làm việc đổi mới, quyết liệt hành động nhưng rất cẩn trọng, đề cao chất lượng và hiệu quả của Quốc hội và các cơ quan trong hoạt động lập pháp. Luật Đất đai là dự án luật lớn, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; có tác động sâu rộng đến các tầng lớp Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời, cũng là dự án Luật rất khó và phức tạp. Dự án Luật đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan chuẩn bị rất trách nhiệm, kỹ lưỡng, công phu qua nhiều vòng, nhiều bước; được trình Quốc hội tại 04 kỳ họp, 02 Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, 08 phiên họp chính thức của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (trong đó có 01 phiên cho ý kiến về Kế hoạch lấy ý kiến Nhân dân) và được chỉnh lý, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng chịu sự tác động và trên 12 triệu lượt ý kiến của Nhân dân. Hình ảnh tại buổi làm việc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với các cơ quan hữu quan về việc tiếp thu ý kiến góp ý đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) Hình ảnh tại buổi làm việc của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải với các cơ quan về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) Tại Kỳ họp bất thường thứ 5, Quốc hội đã xem xét dự thảo Luật theo quy trình đặc biệt. Sáng 15/01, nội dung thảo luận về một số nội dung mới hoặc còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được bố trí đầu tiên ngay sau phiên khai mạc. Tất cả các đại biểu đăng kí đều được phát biểu. Các đại biểu Quốc hội đều đánh giá cao sự chuẩn bị rất công phu, kỹ lưỡng của các cơ quan đối với dự thảo Luật. Nhất trí với các nội dung tiếp thu, chỉnh lý nhiều vấn đề lớn, khó của dự luật đã đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn, các đại biểu cũng nêu một số đề xuất cụ thể nhằm hoàn thiện nhất dự luật đặc biệt quan trọng này. Ngày 17/01, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành họp để cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình các nội dung của Kỳ họp bất thường lần thứ 5 trong đó có dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội cùng cơ quan của Chính phủ, các đơn vị tham mưu bắt tay ngay vào việc để tiến hành chỉnh lý hoàn thiện các báo cáo và dự thảo Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên họp trong Kỳ họp bất thường lần thứ 5 để cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) Như vậy, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội với vai trò là cơ quan chủ trì thẩm tra chỉ có 1 ngày làm việc để tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội, lên phương án tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và chỉ có 0,5 ngày sau phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp tục rà soát, hoàn thiện các báo cáo và dự thảo để trình Quốc hội biểu quyết thông qua vào sáng ngày 18/01. Và để có được bản dự thảo cuối cùng trước giờ bấm nút, các cơ quan đã phải làm việc không quản ngày đêm. Dẫu cho quỹ thời gian vô cùng gấp rút nhưng với tinh thần trách nhiệm, sự cố gắng và phối hợp chặt chẽ của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan đã triển khai công việc một cách khẩn trương nhưng hết sức kĩ lưỡng và thận trọng để bảo đảm chất lượng dự thảo Luật là tốt nhất. Tối muộn ngày 17/01, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cùng Ủy ban Pháp luật, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan họp rà soát chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để trình Quốc hội xem xét biểu quyết thông qua. Tối ngày 17/01, nếu như từ phòng họp Nhà Quốc hội, các cơ quan dường như “chạy đua” với thời gian để cùng nhau trao đổi về từng điều khoản bảo đảm quán triệt đầy đủ và thể chế hóa theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, phù hợp với Hiến pháp, đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, chỉ quy định những vấn đề đã chín, đã đủ rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, có sự đồng thuận, thống nhất cao. Thì từ phía các đại biểu Quốc hội cùng đều đang tiếp tục nghiên cứu kĩ lưỡng các nội dung của dự thảo luật. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Minh Đức – Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh chia sẻ, các đại biểu Quốc hội đều đang chờ đợi dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được hoàn thiện trình thông qua. Dù gửi bất cứ lúc nào dù là ban đêm thì các đại biểu Quốc hội đều cố gắng đọc, rà soát tất cả các điều khoản trong dự thảo Luật, với 260 điều. Nếu phát hiện nội dung nào còn sót sẽ tiếp tục góp ý để hoàn thiện dự thảo Luật là tốt nhất, đồng thời tiếp tục theo dõi trong quá trình tổ chức triển khai thi hành Luật trên thực tiễn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Minh Đức nêu rõ. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Minh Đức – Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh Việc dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được xem xét thông qua tại 4 kỳ họp là sự kiện chưa từng có trong lịch sử Quốc hội. Bởi đây là luật khó, liên quan đến rất nhiều lĩnh vực, có tác động lớn đến nền kinh tế và đời sống của người dân, cần áp dụng quy trình đặc biệt để xem xét thật thấu đáo mọi mặt. Điều đó cho thấy tinh thần cẩn trọng của Quốc hội và các cơ quan trong hoạt động lập pháp, luôn đề cao chất lượng và hiệu quả. Thông tin về quá trình làm luật, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu cho biết, từ góc độ cơ quan thẩm tra trong quá trình thẩm tra, tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cũng phải đối mặt với nhiều thách thức đan xen. Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu chia sẻ về những thách thức đối với cơ quan chủ trì thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi) Một là, yêu cầu, đòi hỏi của Quốc hội, của cử tri. Đó là yêu cầu về chất lượng cao của dự luật; yêu cầu về việc phải tiếp thu, giải trình kỹ lưỡng tất cả các ý kiến của cử tri nhưng thời gian vật lý lại rất hạn chế là thách thức đặt ra với các cơ quan nhất là đối với một đạo luật khổng lồ như Luật Đất đai với 260 điều. Đôi khi để nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của một đại biểu Quốc hội đòi hỏi mỗi thành viên Ủy ban, các cán bộ, công chức phải đọc, thảo luận mất nửa buổi mới có thể thiết kế ra phương án kỹ thuật, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu chia sẻ. Để hóa giải thách thức này, Ủy ban Kinh tế đã phải tăng cường nhân lực và làm việc tăng cường thêm thời gian với sự nỗ lực và quyết tâm lớn hơn rất nhiều lần vì mục tiêu có được một đạo luật có chất lượng tốt nhất, đáp ứng tốt nhất những kỳ vọng của cử tri và Nhân dân. Trong phiên bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) Hai là, quan hệ pháp luật đất đai có tính chất rất đặc biệt so với các quan hệ kinh tế - xã hội khác. Bởi nó luôn tồn tại lợi ích của 3 bên, Nhà nước, người sử dụng đất và người muốn tiếp cận đất và đôi khi lợi ích này không đồng nhất. Từ phía người muốn tiếp cận đất đai như doanh nghiệp luôn mong muốn giá hợp lý nhưng người sử dụng đất phải nhường đất luôn mong muốn một giá rất cao, ngoài ra còn có vai trò của Nhà nước. Do đó, nếu như trong một quy định lại đặt lợi ích của một nhóm đối tượng này thì các đối tượng khác sẽ bị thiệt hại. Ngoài ra, quan hệ đất đai ở Việt Nam còn có tính chất lịch sử, văn hóa trong việc sử dụng đất của các vùng miền, các nhóm đối tượng cũng khác nhau. “Từ kinh nghiệm của người tham gia rất nhiều đạo luật, tôi cho rằng Luật Đất đai là đạo luật khó nhất và giải quyết câu chuyện cân bằng lợi ích của các bên là điều rất khó. Do đó, nỗ lực của cơ quan làm luật là làm cho tất cả các bên đều cảm thấy hài lòng ở mức cao nhất.”, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế bày tỏ. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cùng các đại biểu Quốc hội trao đổi bên lề sau Kỳ họp bất thường lần thứ 5 Luật Đất đai năm 2024 được Quốc hội thông qua có 16 chương và 260 điều; đã quán triệt đầy đủ và thể chế hóa theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”, phù hợp với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật. Việc hoàn thiện các nội dung cụ thể và các vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước và thực hiện theo đúng quan điểm đã xác định tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”, vì vậy, chỉ quy định những vấn đề đã chín, đã đủ rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, có sự đồng thuận, thống nhất cao, nhất là những vấn đề đã có quyết sách của Trung ương; những vấn đề chưa rõ, còn nhiều ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, thực hiện thí điểm khi cơ quan có thẩm quyền cho phép. Trao đổi thêm những điểm mới của Luật Đất đai lần này có thể tháo gỡ những khó khăn đang đặt ra hiện nay, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu nhấn mạnh 5 nhóm nội dung thay đổi lớn: Thứ nhất, nhóm các quy định nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất như mở rộng quyền sử dụng đất với đối tượng là công dân Việt Nam, kể cả định cư sinh sống ở nước ngoài; chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số… Thứ hai, việc tiếp cận đất đai của người dân và doanh nghiệp như quy định thu hồi đất phục vụ cho việc xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Điều này được thiết kế mới, thể chế hóa đầy đủ Điều 54, Hiến pháp năm 2023, tức là chỉ thu hồi đất trong trường hợp thực sự cần thiết...; mở rộng các quy định liên quan đến cơ chế thỏa thuận về đất, chuyển mục đích sử dụng đất của những người đang có đất; mở rộng quỹ đất; quỹ đất cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; nguồn lực đất đai cho thực hiện các chính sách xã hội. Luật Đất đai năm 2024 với nhiều điểm mới quan trọng để đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, để nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất. Thứ ba, nâng cao hiệu quả sử dụng đất như đất sử dụng kết hợp đa mục đích; thu hẹp lại trường hợp phải xin phép khi chuyển mục đích sử dụng đất; việc nhận chuyển nhượng đất trồng lúa với người không phải trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhưng nhận quá hạn mức thì buộc phải thành lập doanh nghiệp và có những phương án sản xuất, kinh doanh. Thứ tư, về tài chính đất đai như: tách bạch vấn đề về định giá đất với chính sách hỗ trợ miễn giảm về đất; một số chính sách để ổn định tiền thuê đất như hoạt động đầu vào hoạt động sản xuất kinh doanh… Thứ năm, nâng cao hiệu quả, hiệu lực về quản lý nhà nước. Nhiều quy định cải cách, cắt giảm bớt thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân với nhiều vấn đề quan trọng như thông tin, dữ liệu về đất đai, có cơ chế tạo thuận lợi hơn cho việc huy động sự tham gia của người dân, các định chế chính trị - xã hội, giám sát việc thực thi cũng như là xây dựng các chính sách về quản lý, sử dụng đất đai. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5 Như khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong phát biểu bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) đã hoàn thành một trong những nhiệm vụ lập pháp quan trọng hàng đầu của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp này, cùng với Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua và có hiệu lực đồng thời từ 01/01/2025 đã đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, để nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đây là thành quả của quá trình phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị thận trọng, kỹ lưỡng, khoa học, từ sớm, từ xa, với nỗ lực và quyết tâm rất cao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan; huy động mọi nguồn lực với tinh thần thực sự cầu thị, lắng nghe, dân chủ; tranh thủ tối đa trí tuệ, đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp, cử tri và Nhân dân cả nước; là bài học kinh nghiệm quý về đổi mới tư duy, phương pháp làm việc, quyết liệt hành động để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lập pháp cũng như các quyết sách khác của Quốc hội. Tuy nhiên, Luật được thông qua mới chỉ là kết quả bước đầu. Để Luật thực sự đi vào cuộc sống, phát huy được hiệu quả thì trong thời gian tới, Chính phủ bố trí nguồn lực, chuẩn bị ngay các điều kiện bảo đảm, ban hành kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Luật; các Bộ, cơ quan ngang Bộ sớm hoàn thành việc ban hành các văn bản quy định chi tiết; hướng dẫn việc chuyển tiếp đúng quy định. Đồng thời tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát với vai trò của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, các cơ quan dân cử ở địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức, đoàn thể cùng cử tri và Nhân dân./. Nguồn Tin: Cổng thông tin điện tử Quốc Hội
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh dự Lễ công bố và trao Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác cán bộ
Tổng Bí thư Tô Lâm: Cần tiếp tục tinh giản bộ máy, biên chế, giảm chi thường xuyên, dành nguồn lực cho đầu tư phát triển
Hội nghị lấy ý kiến xây dựng các Luật: Phòng không nhân dân; Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Địa chất và Khoáng sản
UBND tỉnh xem xét, cho ý kiến về việc ban hành Đề án xác định Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, cấp huyện giai đoạn 2024-2025