21/09/2023 | lượt xem: 1 Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Chặt chẽ hơn trong quy định hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần Sáng 20.9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Ảnh: Hồ Long Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long Đánh giá kỹ tác động quy định trợ cấp hưu trí xã hội đối với ngân sách Báo cáo một số ý kiến của Thường trực Ủy ban Xã hội về việc tiếp thu, giải trình dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày cho biết, về bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội (Điều 1 và Chương III), so với Luật hiện hành, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật đã bổ sung “trợ cấp hưu trí xã hội” trên cơ sở kế thừa và phát triển quy định hiện hành về chính sách bảo trợ xã hội người cao tuổi được quy định tại Luật Người cao tuổi. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu. Ảnh: Hồ Long Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban nhất trí việc bổ sung quy định “trợ cấp hưu trí xã hội” trong dự thảo Luật nhằm bảo đảm hướng tới từng bước hoàn thiện hệ thống hưu trí đa tầng, liên kết, linh hoạt và theo đúng tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ lưỡng tác động của việc quy định trợ cấp hưu trí xã hội đối với ngân sách Nhà nước, xung đột chính sách khi đưa các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh và áp dụng của Luật Người Cao tuổi sang dự án Luật này. Cần nghiên cứu để bổ sung quy định việc huy động các nguồn lực xã hội đóng thêm, phương thức đóng theo hướng linh hoạt hơn để đối tượng này có mức hưởng cao hơn quy định tại Điểm b, khoản 1, Điều 22 của dự thảo Luật... Cân nhắc kỹ lưỡng việc sửa đổi, bổ sung về hưởng bảo hiểm xã hội một lần Về bảo hiểm xã hội một lần, Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng, đây là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, có ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động và vấn đề an sinh xã hội lâu dài, tác động nhất định đến tâm lý xã hội, người lao động. Do đó, cần tiếp tục đánh giá tác động, cân nhắc kỹ lưỡng, bao quát đối với nội dung sửa đổi, bổ sung quy định về hưởng bảo hiểm xã hội một lần, tham vấn công chúng rộng rãi hơn về các phương án dự kiến sửa đổi, bổ sung. Bên cạnh đó, cần hết sức lưu ý quan tâm việc tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo hiểm xã hội, đặc biệt là quy định về bảo hiểm xã hội một lần để thống nhất nhận thức về mục tiêu của chính sách. Đó là khi có việc làm thì người lao động và người sử dụng lao động có trách nhiệm hàng tháng trích một phần tiền lương, thu nhập (người lao động 8%, người sử dụng lao động 14%) để đóng vào quỹ bảo hiểm hưu trí, bảo đảm khi đến tuổi nghỉ hưu hoặc suy giảm khả năng lao động thì người lao động được hưởng lương hưu hàng tháng (rút từ tiền của người lao động, người sử dụng lao động đã đóng và tích lũy). Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự phiên họp. Ảnh: Hồ Long Vì vậy, phải “chặt chẽ hơn trong quy định hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần” như Nghị quyết 28-NQ/TW đã xác định, hướng tới hạn chế tối đa việc người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần, thì mới có thể thực hiện được mục tiêu mở rộng độ bao phủ của chính sách bảo hiểm xã hội, bảo đảm an sinh xã hội lâu dài cho người dân sau độ tuổi lao động. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, bổ sung quy định trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành bảo hiểm xã hội đa tầng nhằm cụ thể hóa theo tinh thần Nghị quyết của Trung ương. Do đó, sẽ phải điều chỉnh lại quy định trong Luật Người cao tuổi. Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần nghiên cứu thêm có nên đặt vấn đề sửa đổi một khoản hay điều nào của Luật Người cao tuổi trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần này hay không để bảo đảm tính tương thích giữa 2 Luật? Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham dự phiên họp. Ảnh: Hồ Long Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện dự án Luật, cũng như các văn bản để trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ Sáu tới đây. Ủy ban Xã hội tiếp tục chủ trì tổ chức tọa đàm, hội thảo, hội nghị lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo Luật nhằm nắm bắt dư luận xã hội, hoàn thiện báo cáo thẩm tra trình Quốc hội với chất lượng cao nhất. Báo Đại biểu nhân dân
Hội nghị lấy ý kiến xây dựng các Luật: Phòng không nhân dân; Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Địa chất và Khoáng sản
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi): Phải giải quyết được nhu cầu trước mắt và an sinh xã hội lâu dài
Đưa hoạt động giải trình vào nền nếp, thể hiện rõ nét tinh thần đổi mới của Quốc hội trong hoạt động giám sát