11/09/2023 | lượt xem: 1 Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ Nhất: Thúc đẩy sự tham gia sớm của trẻ em vào các hoạt động chính trị, xã hội 263 trẻ em cả nước đã đóng vai Lãnh đạo Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và thành viên Chính phủ để tiến hành một phiên họp đặc biệt tại hội trường Diên Hồng sáng nay - Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ Nhất. Dù lần đầu tiên tổ chức, nhưng thành công của Phiên họp đã vượt hơn cả mong đợi của các cơ quan tổ chức. Như ghi nhận của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đây là mô hình rất ý nghĩa và hiệu quả nhằm thúc đẩy sự tham gia sớm của trẻ em vào các hoạt động chính trị, xã hội, góp phần bảo đảm quyền, lợi ích của trẻ em, định hướng trẻ em trở thành những công dân có trách nhiệm với đất nước, với xã hội và khả năng trở thành những nhà lãnh đạo trong tương lai. Nhiều giải pháp thiết thực, có giá trị Với một phiên họp tại tổ và một phiên họp toàn thể, Quốc hội trẻ em đã nghe báo cáo kết quả lấy ý kiến cử tri về hai nội dung được trẻ em và cả xã hội đặc biệt quan tâm hiện nay, gồm: bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng và phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em. Các đại biểu Quốc hội trẻ em đã thảo luận, tranh luận, yêu cầu các thành viên Chính phủ trẻ em giải trình về các vấn đề liên quan, từ đó, biểu quyết thông qua Nghị quyết phiên họp với tỉ lệ tán thành rất cao, đưa ra nhiều giải pháp thiết thực. Rất nhiều đề xuất được các đại biểu Quốc hội trẻ em đưa ra nhưng có giá trị với cả người lớn và các cơ quan hoạch định chính sách. Quanh cảnh Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ Nhất. Ảnh: Hồ Long Đơn cử, trong vấn đề bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, an toàn, sáng tạo trên không gian mạng, đại biểu Khúc Trà Giang (Đoàn Hải Phòng) đề nghị, nhà trường cần đưa nội dung an toàn trên không gian mạng vào các bộ môn trong trường học như giáo dục công dân, tin học; chú trọng hơn việc trang bị kiến thức, kỹ năng số cho trẻ em theo từng độ tuổi; mở rộng hình thức trình bày câu chuyện ngắn có hình ảnh dễ thương, đối thoại giữa các nhân vật phản ánh trực tiếp hiện tượng để giúp các em hứng thú hơn, vừa có hình ảnh trực quan sinh động mà không bị nặng tính lý thuyết. Các đại biểu Quốc hội trẻ em cũng đề nghị cần có các chương trình tập huấn cho phụ huynh về an toàn mạng và kỹ năng quản lý con cái sử dụng mạng. Theo đại biểu Ngô Thị Kim Cương (Đoàn Tây Ninh), hơn ai hết, gia đình, đặc biệt là cha mẹ chính là những “lá chắn” cho trẻ em nên cần phải chủ động tìm hiểu, ứng dụng các giải pháp về công nghệ số để kiểm soát thông tin cá nhân của trẻ, hướng dẫn những kiến thức cơ bản để giúp con em mình tương tác lành mạnh và an toàn trên môi trường mạng. Khi con em mình bị bạo lực trên mạng, cha mẹ nên thường xuyên hỏi han, trò chuyện, nếu con không dám nói chuyện, cha mẹ cần liên hệ thầy cô, bạn bè để tìm hiểu tình hình, giới thiệu cho con những trang web chia sẻ những khúc mắc để con được hướng dẫn cách thức giải quyết các vấn đề gặp phải. Nhìn từ góc độ các nhà mạng, đại biểu Phạm Minh Ánh (Đoàn Quảng Ninh) đề nghị, các nhà mạng cần phải có giải pháp kỹ thuật hoặc đưa ra những yêu cầu khi sử dụng mạng, có các phần mềm để kiểm soát nếu bất kì ai đăng hình ảnh nhạy cảm... thì lập tức nhận biết những hình ảnh đó vi phạm quy chế cộng đồng để loại bỏ, không được phép đăng. Hay trong vấn đề phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em tại cả gia đình, nhà trường và cộng đồng, đại biểu Hoàng Trà My (Đoàn Nghệ An) đề xuất, các cơ quan chức năng địa phương cần quan tâm trang bị các biển báo về nguy cơ mất an toàn cho trẻ em ở các hồ bơi, ngã ba, ngã tư tại các thôn, xóm; đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng về phòng, tránh tại nạn thương tích, bạo lực, xâm hại thường xuyên hơn bằng hình thức phù hợp, hấp dẫn với trẻ em như kịch tương tác, tiểu phẩm, các trò chơi, các cuộc thi vẽ tranh cổ động… Với ngành giáo dục, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Chi (Đoàn Hà Tĩnh) cho rằng, nhà trường cần tăng cường các biện pháp thúc đẩy sự tham gia của học sinh, lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của học sinh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền và xây dựng phòng tư vấn học đường; tăng cường sự phối hợp với gia đình trong quản lý, giáo dục con; nên tập huấn cho các thầy cô phương pháp nắm bắt tâm lý, các kỹ năng tư vấn, làm việc với trẻ em để hiểu tâm lý và giúp đỡ học sinh. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đầu tư để giúp các trường có các buổi talkshow, giúp học sinh dám đứng lên nói ra ý kiến của mình. Ở góc độ khác, nêu thực tế có rất nhiều trẻ em ngại chia sẻ với thầy cô, bạn bè về vấn đề mà mình gặp phải nên rất khó để các em tham gia talkshow nói lên vấn đề của mình, đại biểu Quốc hội trẻ em Phạm Nguyễn Gia Hân (Đoàn Đà Nẵng) đề xuất, cần phát triển các trung tâm tư vấn tâm lý học đường ở tất cả các trường học, có các bác sĩ tâm lý chuyên nghiệp để giúp học sinh giải quyết những vấn đề khó khăn của mình. Thành công vượt mong đợi Tuy thời gian không nhiều, nhưng Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em đã gây bất ngờ và để lại những ấn tượng sâu đậm với các đại biểu tham dự. Được tổ chức theo sáng kiến của Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội Trung ương, sự phối hợp của Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Tổng Thư ký Quốc hội và Văn phòng Quốc hội nhằm góp phần triển khai hiệu quả Luật Trẻ em năm 2016, nhưng thành công của phiên họp chắc chắn đã vượt hơn cả sự mong đợi của các cơ quan tổ chức. Trực tiếp theo dõi phiên họp giả định, lắng nghe các ý kiến, đề xuất của các đại biểu Quốc hội trẻ em, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhiều lần bày tỏ sự ấn tượng và đánh giá rất cao thành công rất tốt đẹp, sự chuyên nghiệp của Phiên họp. "Các cháu là những tấm gương tiêu biểu trong học tập, rèn luyện, cũng là niềm hi vọng của đất nước. Dù tuổi còn nhỏ nhưng các cháu đã chịu khó tìm hiểu, nghiên cứu, thể hiện sự chững chạc, phong thái tự tin, có suy nghĩ chín chắn, sâu sắc khi đóng vai là những đại biểu Quốc hội, đóng vai lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành trong điều hành, thảo luận và có nhiều đề xuất, kiến nghị rất xác đáng để giải quyết những vấn đề của trẻ em", Chủ tịch Quốc hội nói. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cũng cho rằng, "những câu hỏi, trả lời, ý kiến trao đổi của các em để lại cho người lớn nhiều suy nghĩ rất sâu sắc về trách nhiệm, nghĩa vụ với những vấn đề sát sườn, thiết thực với trẻ em và chính tương lai đất nước. Có thể chưa đầy đủ, nhưng những chất vấn, phát biểu của các đại biểu tại phiên họp chính là nguyện vọng của trẻ em Việt Nam gửi tới Quốc hội, Chính phủ. Không chỉ vậy, đây còn là tiếng nói từ tương lai đặt ra với đất nước khi quyết định những vấn đề phát triển ngay từ hôm nay”. Trong thẩm quyền và trách nhiệm của mình, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà khẳng định, lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành sẽ luôn lắng nghe, ghi nhận ý kiến của các em, đặc biệt là các vấn đề đã được quyết nghị trong Nghị quyết Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em để tiếp tục hoàn thiện, tổ chức thi hành pháp luật; xây dựng, ban hành kế hoạch hành động cụ thể, thiết thực để chăm lo, bảo vệ, tạo môi trường cho hơn 15 triệu thiếu niên, nhi đồng Việt Nam phát triển ngày càng tốt đẹp, an toàn hơn. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nỗ lực xây dựng môi trường học tập an toàn, lành mạnh, phát triển toàn diện đức - trí - thể - mỹ, để hướng tới cộng đồng học tập đoàn kết, trách nhiệm. Đây sẽ là nơi mỗi em đều có cơ hội phát triển và thể hiện tài năng, sẵn sàng làm chủ tri thức mới, thích ứng với đổi thay, trở thành những công dân toàn cầu có trách nhiệm trong tương lai. Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương cũng sẽ chú trọng xây dựng quy tắc ứng xử văn hóa, an toàn ở trường học, không gian công cộng, gia đình và trên môi trường mạng. Cơ quan chức năng tạo thêm nhiều kênh, diễn đàn để trẻ em biểu đạt nguyện vọng, tham gia xây dựng và hoàn thiện chính sách có liên quan đến các em. Từ thành công của Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ Nhất, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã yêu cầu Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội Trung ương chủ trì, phối hợp với các Ủy ban của Quốc hội và cơ quan liên quan định kỳ tiếp tục tổ chức ngày càng tốt hơn các phiên họp tương tự trong thời gian tới để lắng nghe, giải quyết kịp thời những nguyện vọng, kiến nghị của trẻ em cả nước. Đặc biệt, với các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phải tăng cường các hoạt động giám sát việc thực hiện quyền trẻ em và các quy định của pháp luật về chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em. Kịp thời tổ chức các phiên giải trình về những vấn đề thời sự cấp bách có liên quan đến trẻ em. Trong quá trình xem xét, thông qua các dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết, cần chú trọng thẩm tra các quy định bảo đảm quyền trẻ em; nghiên cứu để đưa quy trình thẩm tra nội dung bảo đảm quyền trẻ em thành một khâu bắt buộc trong hoạt động lập pháp. Từ thành công của phiên họp giả định Quốc hội trẻ em đầu tiên này càng khẳng định sâu sắc chủ trương, chính sách và hành động của Đảng, Nhà nước ta về "chăm lo bồi dưỡng, giáo dục, phát triển toàn diện và bảo đảm quyền của trẻ em; dành những điều kiện tốt nhất, sự chăm lo chu đáo nhất cho trẻ em - tương lai của đất nước”. Sự thể hiện chuyên nghiệp của các em trong Phiên họp giả định cũng cho thấy các hoạt động của Quốc hội đã lan toả mạnh mẽ và có sức hút đặc biệt đối với cử tri và nhân dân, nhất là với giới trẻ. Từ đây, như kỳ vọng của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, trong số các đại biểu Quốc hội trẻ em hôm nay sẽ có nhiều em khi trưởng thành, qua quá trình rèn luyện, phấn đấu sẽ nhận được sự tín nhiệm của nhân dân, trở thành đại biểu Quốc hội thực sự, cùng góp sức đưa dân tộc Việt Nam vẻ vang sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn. Báo Đại biểu nhân dân
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh dự Lễ công bố và trao Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác cán bộ
Tổng Bí thư Tô Lâm: Cần tiếp tục tinh giản bộ máy, biên chế, giảm chi thường xuyên, dành nguồn lực cho đầu tư phát triển
Hội nghị lấy ý kiến xây dựng các Luật: Phòng không nhân dân; Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Địa chất và Khoáng sản
UBND tỉnh xem xét, cho ý kiến về việc ban hành Đề án xác định Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, cấp huyện giai đoạn 2024-2025