02/11/2016 | lượt xem: 4 Nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội Hôm qua, 2-11, Kỳ họp thứ hai, Quốc hội (QH) khóa XIV sang ngày làm việc thứ 11. Các đại biểu QH thảo luận ở hội trường về: Kế hoạch tái cơ cấu (TCC) nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017. Đổi mới mô hình tăng trưởng Thảo luận về Kế hoạch TCC nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, đại biểu Trần Anh Tuấn (TP Hồ Chí Minh) và nhiều đại biểu cho rằng, qua 5 năm triển khai thực hiện TCC cho thấy, đầu tư nguồn lực phân tán, chưa phù hợp ngành, lĩnh vực nên hiệu quả chưa cao, nhất là các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp; vấn đề ô nhiễm môi trường ở các doanh nghiệp, làng nghề chưa được quan tâm đúng mức; hàng giả, hàng kém chất lượng, công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong xã hội… Bên cạnh đó, việc cổ phần hóa (CPH), thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước tiến hành còn chậm. Do vậy, để tạo nguồn lực cho TCC phát triển nền kinh tế, Chính phủ cần chỉ đạo đẩy mạnh việc CPH, thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước; phân cấp cho địa phương sử dụng nguồn lực sau CPH để phục vụ TCC ở các địa phương. Đồng thời, có kế hoạch, lộ trình TCC từng năm cho từng ngành, lĩnh vực cụ thể; lựa chọn ra các ngành, nhóm ngành, sản phẩm có tiềm năng, lợi thế cần được ưu tiên nguồn lực trong TCC kinh tế, đi đôi với đề ra cơ chế, chính sách ưu tiên để tạo sự phát triển bền vững. Đồng thời, Chính phủ cần chỉ đạo quản lý chặt chẽ việc sử dụng nguồn vốn ODA trong đầu tư, phát triển kinh tế; tạo điều kiện để hệ thống ngân hàng duy trì việc cung cấp vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn, dịch vụ công nông nghiệp công nghệ cao. Trong quá trình TCC, cần tập trung nguồn lực chất lượng cao cho các lĩnh vực, nhóm ngành ưu tiên, như: nguồn vốn, lao động, đào tạo nguồn lao động chất lượng cao… để tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh. Đại biểu Lê Thị Thu Hồng (Bắc Giang) và một số đại biểu cho rằng: Việc TCC ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới còn nhiều hạn chế. Để TCC ngành nông nghiệp đạt hiệu quả, thiết thực và chủ động hội nhập quốc tế, cần nhất quán chủ trương phát triển nông nghiệp công nghệ cao hướng tới nông nghiệp hữu cơ để chủ động hội nhập và đáp ứng nhu cầu thực phẩm có chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn cho người tiêu dùng. Trong đó, Nhà nước cần từng bước xóa bỏ bao cấp về nông nghiệp và tập trung vào những vấn đề vĩ mô, như quy hoạch các vùng phát triển nông nghiệp và xây dựng các chính sách thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp tiên tiến, gắn với xây dựng nông thôn mới. Chính phủ cần chỉ đạo hoàn thiện chính sách về đất đai để tạo thuận lợi nhất cho việc tích tụ và tập trung ruộng đất. Tiếp tục đẩy mạnh dồn điền, đổi thửa; sớm nghiên cứu cơ chế thuê ruộng đất ổn định, lâu dài. Thực hiện rà soát, điều chỉnh quy hoạch đất nông nghiệp, bảo đảm tầm nhìn dài hạn; khẩn trương xây dựng quy hoạch khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của từng địa phương để bổ sung vào quy hoạch chung. Cần tạo môi trường và chính sách khuyến khích phát triển ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các hình thức hợp tác, liên kết trong tổ chức sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong quản lý sản xuất nông nghiệp, Nhà nước cần giảm dần “bao sân”, đồng thời dành nguồn lực tập trung xây dựng và chỉ đạo thực thi các chính sách về nông nghiệp, nông thôn. Tham gia giải trình ý kiến đại biểu QH, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, hiện nay, trong lĩnh vực nông nghiệp, quy mô sản xuất vẫn còn nhỏ lẻ, sản phẩm nông nghiệp chủ yếu là sản phẩm thô mà chưa có nhiều sản phẩm mang tính lợi thế, cạnh tranh; thị trường tiêu thụ thiếu ổn định, tiềm ẩn nhiều rủi ro; doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia lĩnh vực nông nghiệp còn ít. Điều này dẫn đến tình trạng sản xuất manh mún, phân tán mà chưa tập trung được nguồn lực để hướng tới sản xuất hàng hóa lớn, nâng cao sức cạnh tranh. Để tái cơ cấu nông nghiệp hiệu quả gắn với xây dựng nông thôn mới, trước hết cần xác định rõ nhóm sản phẩm lợi thế quốc gia, nhóm sản phẩm quy mô đặc thù, nhóm sản phẩm lợi thế cấp tỉnh và địa phương để xây dựng hướng phát triển phù hợp. Bên cạnh đó, cần tháo gỡ các “nút thắt” để mở rộng quy mô sản xuất, nhất là nới rộng hạn điền, cho phép các doanh nghiệp, nông dân được tích tụ ruộng đất hợp lý để sản xuất tập trung trên quy mô lớn, có điều kiện cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ KHKT, tạo ra nhiều việc làm hơn, qua đó nâng cao thu nhập của người nông dân và doanh nghiệp. Nhà nước tiếp tục hỗ trợ các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chuyển dần việc cung cấp một số dịch vụ công sang cho tư nhân và các tổ chức xã hội thực hiện. Quyết liệt triển khai các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội Thảo luận về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) và nhiều đại biểu cho rằng những mặt hạn chế, yếu kém, bất cập được nêu trong Báo cáo của Chính phủ chưa rõ và chưa sâu sắc, nhất là tình trạng tham nhũng, những vấn đề gần đây gây bức xúc trong dư luận xã hội, như: chất lượng cán bộ được bổ nhiệm là người nhà, người thân. Nếu không nhìn nhận một cách nghiêm túc, thì bộ máy hành chính nhà nước sẽ không có đủ cán bộ để thực hiện Chính phủ liêm chính và kiến tạo. Đề cập Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) và một số đại biểu cho rằng, thời gian qua, ngân sách đầu tư cho phát triển còn ít, chủ yếu đi vay nước ngoài; một số dự án đầu tư nguồn ngân sách lớn nhưng không hiệu quả, dẫn đến nợ nhiều. Đề nghị Chính phủ cần có phương án xử lý sớm, nếu không “nợ sẽ chồng lên nợ”. Nên chọn kinh tế mũi nhọn là nông nghiệp để tập trung nguồn lực đầu tư và phát triển. Tiếp tục dành nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng đồng bào dân tộc, không để khoảng cách giàu nghèo giữa các dân tộc... Một số đại biểu nêu rõ, năm 2017, Chính phủ chú trọng phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ gắn với khai thác tiềm năng kinh tế biển. Tuy nhiên, mọi phương án khai thác tài nguyên và phát triển kinh tế ở vùng ven biển đều phải được cân nhắc trên cơ sở luận cứ khoa học. Xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tăng cường giám sát xả thải, bảo đảm đúng quy định về công nghệ và bảo vệ môi trường đối với các dự án phát triển công nghiệp; chỉ đạo kiểm tra, rà soát các dự án kinh tế có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, nhất là các nhà máy nhiệt điện, nhà máy sản xuất thép; xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm môi trường. Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, chủ động bảo vệ môi trường, tăng cường quản lý tài nguyên được xác định là nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội năm 2017. Trong đó, Bộ sẽ quyết liệt bảo vệ môi trường; triển khai xây dựng các trạm quan trắc môi trường, tài nguyên nước và tài nguyên, môi trường biển. Tập trung cải thiện chất lượng môi trường, xử lý ô nhiễm, nhất là tại các làng nghề, khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế, khu dân cư tập trung ở nông thôn, các lưu vực sông, hồ, vùng ven biển, cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm nặng. Kiểm soát chặt chẽ việc đánh giá tác động môi trường, kiên quyết không cấp phép đối với các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và kiểm soát bảo đảm việc tuân thủ quy định về quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm. Nhiều đại biểu QH quan tâm chính sách tuyển dụng đối với sinh viên hệ tuyển cử là người dân tộc thiểu số. Giải đáp nội dung này, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân nêu rõ, Quyết định số 402, ngày 14-3-2016 phê duyệt Đề án “Phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới” của Thủ tướng Chính phủ, đã nhấn mạnh việc thực hiện đúng, đầy đủ, có hiệu quả các chế độ, chính sách ưu tiên đối với cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số. Bộ Nội vụ đang tiến hành xây dựng chính sách thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ người có tài trong hoạt động công vụ vùng dân tộc thiểu số; xây dựng hướng dẫn về tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số làm việc tại các cơ quan hành chính ở các bộ, ngành trung ương, UBND các cấp. Phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất chính sách ưu đãi trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số ở các ngành, các địa phương, nhất là đối với nữ, người dân tộc thiểu số rất ít người và các dân tộc thiểu số hiện có ít cán bộ. baonhandan.com.vn