Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII: Ông Doãn Thế Cường góp ý vào dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương

Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, Đoàn ĐBQH tỉnh ta làm việc trách nhiệm, tích cực tham gia thảo luận cũng như góp ý vào các dự thảo, dự án luật. Trong đó, đối với dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương, ông Doãn Thế Cường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh ta đã góp ý kiến vào một số vấn đề. Báo Hưng Yên giới thiệu toàn văn ý kiến góp ý của đồng chí Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh vào dự án luật này.

Tôi cơ bản đồng tình với dự thảo Luật chính quyền địa phương. Tôi đánh giá cao việc cơ quan chủ trì soạn thảo, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và các cơ quan hữu quan đã tích cực, nghiêm túc nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các Đại biểu Quốc hội, các cơ quan, đơn vị và ý kiến của nhân dân để chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9.

Qua nghiên cứu dự thảo Luật và từ hoạt động thực tiễn, tôi xin góp một số ý kiến nội dung để góp phần hoàn chỉnh dự án Luật, bảo đảm phù hợp thực tiễn, khả thi cao.

1. Về tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính. 

Tôi nhất trí cao với dự thảo Luật quy định: Tất cả các đơn vị hành chính quy định tại khoản 1 Điều 100 của Hiến pháp năm 2013 đều tổ chức cấp chính quyền địa phương gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Quy định như vậy, bảo đảm đầy đủ, thực chất chính quyền địa phương các cấp đồng bộ, phát huy hiệu quả trong hoạt động, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân thông qua hoạt động của Hội đồng nhân dân.

Tuy vậy, việc phân chia chính quyền địa phương ở nông thôn (bao gồm tỉnh, huyện, xã) và chính quyền địa phương hoặc là đô thị (bao gồm thành phố trực thuộc Trung ương, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương; phường, thị trấn) tại Điều 5, tôi đề nghị cân nhắc thêm bởi chưa thật phù hợp. Hiện nay và đến năm 2020, một số tỉnh có mật độ đô thị hóa trên dưới 50%, có 40-50% đơn vị trực thuộc là các thành phố, thị xã trực thuộc và một số thị trấn; tỷ trọng kinh tế công nghiệp và dịch vụ chiếm 90%... thì những tỉnh này không khác gì nhiều so với thành phố trực thuộc Trung ương có khoảng 50-60% đơn vị trực thuộc là quận, còn lại là các huyện. Với những tỉnh này có nên coi là chính quyền địa phương ở nông thôn? Bên cạnh đó, nhiều phường ở các thị xã, thành phố thuộc tỉnh vẫn còn sản xuất nông nghiệp và dân cư làm nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn thì sự khác biệt với những xã có tỷ lệ đô thị hóa khoảng 40 – 50% và tỷ trọng kinh tế nông nghiệp còn 30 – 40% là không đáng kể.

Vì vậy, đề nghị Điều 5 chỉ quy định chính quyền địa phương ở tỉnh, huyện, xã; chính quyền địa phương ở thành phố trực thuộc Trung ương; ở quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, phường, thị trấn. Từ những quy định như vậy cũng thấy có sự khác biệt để xác định cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ quyền hạn của chính quyền địa phương cho phù hợp.

 2. Về đại biểu Hội đồng nhân dân.

 Tôi tán thành việc quy định số lượng và tiêu chuẩn đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trong Luật tổ chức chính quyền địa phương tương tự như Luật tổ chức Quốc hội. Số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn quy định như dự thảo là phù hợp. Tôi đề nghị tăng số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đại biểu HĐND huyện, thị xã và thành phố thuộc tỉnh, quận và thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, vì quy định như dự thảo là rất ít, chưa thể hiện rõ Hội đồng nhân dân là cơ quan đại diện của nhân dân ở địa phương, do đó khó làm tốt vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng về quyền làm chủ của nhân dân địa phương. Nếu so sánh số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân của 2 cấp này với số lượng ủy viên BCH Đảng bộ cùng cấp cũng rất băn khoăn (BCH Đảng bộ tỉnh trung bình khoảng 55 đồng chí với 5-7 vạn đảng viên trong khi đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh từ 50 – 55 đại biểu đại diện cho khoảng 1 triệu dân; BCH Đảng bộ tỉnh huyện, thị xã, quận, thành phố thuộc tỉnh hoặc thuộc thành phố trưc thuộc Trung ương từ 30 – 35 đồng chí với 4 – 6 nghìn đảng viên trong khi đại biểu Hội đồng nhân dân chỉ khoảng 30 – 35 đại biểu đại diện cho 80 – 100 nghìn dân; trong khi BCH Trung ương Đảng tương ứng là 175 đồng chí và 500 đại biểu Quốc hội).

Do vậy, với các tỉnh miền núi, vùng cao có từ 500 nghìn dân trở xuống và các tỉnh khác có từ 1 triệu dân trở xuống dự thảo quy định được bầu 50 đại biểu, tôi đề nghị quy định được bầu 70 đại biểu và cứ thêm 30 nghìn dân (với tỉnh miền núi, vùng cao) được bầu thêm 1 đại biểu nhưng không quá 90 đại biểu; với tỉnh không phải là miền núi, vùng cao có trên 1 triệu dân, cứ thêm 50 nghìn dân thì được bầu thêm 1 đại biểu nhưng không quá 100 đại biểu. Tương tự đề nghị thành phố trực thuộc Trung ương có từ 1 triệu dân trở xuống được bầu 70 đại biểu, có trên 1 triệu dân cứ thêm 50 nghìn dân thì được bầu thêm 1 đại biểu nhưng tổng số không quá 90 đại biểu; thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh được bầu 110 đại biểu.

Đối với HĐND huyện, tôi đề nghị huyện miền núi, vùng cao, hải đảo có từ 40 nghìn dân trở xuống được bầu 50 đại biểu (thay vì 30 đại biểu như dự thảo), huyện có trên 40 nghìn dân thì cứ thêm 5 nghìn dân thì được bầu thêm 1 đại biểu nhưng tổng số không quá  60 đại biểu. 

Huyện không là miền núi, vùng cao, hải đảo có từ 80 nghìn dân trở xuống được bầu 50 đại biểu, có trên 80 nghìn dân thì cứ thêm 10 nghìn dân được bầu thêm 1 đại biểu nhưng tổng số không quá 65 đại biểu. Huyện có trên 30 đơn vị hành chính trở lên được bầu không quá 75 đại biểu, tương tự quận có từ 80 nghìn dân trở xuống; thị xã có 70 nghìn dân trở xuống dân trở xuống, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương có từ 100 nghìn dân trở xuống được bầu 50 đại biểu; các quận, thị xã thành phố cũng có trên mức dân trên thì cứ thêm 10 nghìn  dân được bầu thêm 1 đại biểu nhưng tổng số không quá 70 đại biểu.

3. Về cơ cấu tổ chức ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

Dự thảo quy định ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn gồm Chủ tịch, 1 Phó Chủ tịch và các ủy viên, tôi đề nghị các xã, phường, thị trấn loại I quy định có 2 Phó Chủ tịch điều này là rất cần thiết vì UBND xã, phường, thị trấn phải cụ thể hóa chỉ đạo và tổ chức thực hiện các công việc trực tiếp mọi mặt đời sống của hàng nghìn, hàng vạn người dân.

Trong điều kiện cơ sở hạ tầng, đội ngũ cán bộ còn không ít khó khăn, hạn chế kỷ cương và nhận thức của nhân dân ở cơ sở cũng còn hạn chế, bất cập thì việc bố trí xã loại I có 2 Phó Chủ tịch UBND mới đáp ứng yêu cầu công việc.

4. Về phân định thẩm quyền giữa Trung ương với địa phương

Điểm 3, Điều 12 dự thảo Luật xác định: “Cơ quan nhà nước cấp trên trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra tính hợp hiến, hợp pháp trong việc thực hiện các nhiệm vụ quyền hạn được phân quyền cho các cấp chính quyền địa phương”. Tôi đề nghị điểm này bổ sung thêm: “Cơ quan nhà nước cấp trên thực hiện nhiệm vụ của ngành, lĩnh vực tại địa phương phải phối hợp và chịu sự giám sát của chính quyền và nhân dân địa phương”. Bổ sung như vậy sẽ bảo đảm nguyên tắc nhiệm vụ và quyền hạn của mỗi cơ quan, phải đi đôi với trách nhiệm và nghĩa vụ.

baohungyen.vn

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
133 người đang online