06/09/2024 | lượt xem: 1 Khẩn trương ứng phó với siêu bão số 3 Yagi Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, cường độ của bão số 3 (có tên gọi quốc tế là Yagi) có thể mạnh nhất trên Biển Đông trong 10 năm qua và được coi là một siêu bão với cường độ gió giật cấp 16 – 17, gây mưa lớn, ngập úng diện rộng. Trạm bơm Tam Đô (Ân Thi) sẵn sàng bơm tiêu úng Sáng 5/9, bão số 3 đã mạnh lên thành siêu bão, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 16, giật trên cấp 17. Dự báo, từ sáng 6/9, bão ảnh hưởng trực tiếp đến Vịnh Bắc Bộ với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14, giật cấp 16; từ đêm 6/9, bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền khu vực Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nước ta với sức gió mạnh nhất có thể đạt cấp 10-12, giật cấp 13-14 và ảnh hưởng sâu vào đất liền, khả năng bão gây gió mạnh và mưa lớn diện rộng trên đất liền. Bão số 3 được dự báo có cường độ rất mạnh, mức độ rủi ro thiên tai lớn, diễn biến phức tạp. Để chủ động ứng phó với bão, mưa lũ, bảo vệ an toàn tính mạng của Nhân dân, hạn chế thiệt hại tài sản, sản xuất nông nghiệp, các ngành, địa phương và Nhân dân cần chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống bão, mưa úng; đơn vị thủy lợi chủ động công tác trực gác, sẵn sàng bơm tiêu úng khi có mưa lớn xảy ra. Trước diễn biến bão số 3 có khả năng gây gió giật mạnh, mưa to diện rộng và kéo dài, tình trạng ngập úng có thể xảy ra, các địa phương đã chỉ đạo đơn vị thủy lợi và nông dân chủ động tiêu thoát nước cho diện tích lúa. Đồng chí Bùi Quang Nam, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phù Cừ cho biết: Huyện tập trung chỉ đạo đơn vị thủy lợi và nông dân khẩn trương chỉ đạo tiêu nước đệm trên hệ thống sông trục và kênh mương nội đồng; khoanh vùng và ưu tiên bơm tiêu nhanh cho những diện tích lúa có nguy cơ bị ngập úng nặng. Đối với diện tích lúa đã đỏ đuôi và có kế hoạch trồng cây vụ đông, tiến hành gạn tháo hết nước trên ruộng. Diện tích lúa còn lại giữ đủ nước để lúa trỗ bông vào chắc thuận lợi, bảo đảm hiệu quả phòng trừ sâu bệnh. Các địa phương có diện tích cây ăn quả đang khẩn trương khuyến cáo nông dân thu hoạch nhanh gọn những diện tích cây ăn quả đã đến kỳ thu hoạch như nhãn, ổi, mít, bưởi... để hạn chế thiệt hại của mưa, bão gây ra. Bà Nguyễn Thị Hạnh, nông dân xã Đông Ninh (Khoái Châu) cho biết: Để hạn chế ảnh hưởng của bão, từ ngày 4/9, tôi huy động các thành viên trong gia đình thực hiện chằng chống cho toàn bộ diện tích chuối, nhất là các vườn chuối đang ra hoa, phát triển quả; cắt bớt lá già, lá bị sâu bệnh để giảm sức cản khi có gió mạnh, hạn chế đổ gãy. Xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi huyện Kim Động yêu cầu các trạm bơm trực 24/24h, chuẩn bị đầy đủ máy để chủ động xử lý mọi tình huống. Với diện tích lúa mùa trong giai đoạn trỗ bông, chín đỏ đuôi, nông dân đã chủ động khơi thông dòng chảy, chuẩn bị tốt cho việc tiêu úng khi có mưa lớn xảy ra. Cùng với đó, diện tích cây ăn quả như cam, bưởi, chuối… tập trung tại các xã như Ngọc Thanh, Đồng Thanh, Đức Hợp… nông dân đang khẩn trương thu hoạch những diện tích đã đến kỳ thu hoạch. Đối với diện tích trồng cam, nông dân chủ động chằng chống thân cây nhằm hạn chế tình trạng gió lớn làm gãy cành, những quả còn non được chằng buộc cẩn thận không để va đập mạnh dẫn đến rụng quả. Nhằm phòng, chống úng cho sản xuất nông nghiệp, Xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi huyện Ân Thi đã cho vận hành các trạm bơm như: Bích Tràng, Trà Phương, Tam Đô, Cống Bún... để gạn tháo nước tại các tuyến kênh mương nội đồng. Đối với diện tích trồng rau màu vụ thu đông, tập trung chủ yếu tại các xã Đào Dương, Tiền Phong, Hồng Vân, Hạ Lễ... phòng Nông nghiệp và PTNT huyện khuyến cáo nông dân khẩn trương thu hoạch những cây trồng đã đến kỳ thu hoạch. Khơi thông dòng chảy tại các chân ruộng và làm luống cao với những diện tích gieo trồng mới. Thời điểm này, các vườn nhãn trong tỉnh đã cơ bản hoàn thành thu hoạch nhãn chính vụ, trà nhãn chín muộn tập trung chủ yếu tại huyện Khoái Châu đang vào thời kỳ thu hoạch rộ. Để giảm thiểu thiệt hại đối với diện tích nhãn muộn, nông dân huyện Khoái Châu đang khẩn trương chằng chống, cắt tỉa lá, cành nhằm tránh gẫy rụng quả khi mưa, gió to; mặt khác tập trung thu hoạch các diện tích nhãn đã chín. Nông dân huyện Khoái Châu khẩn trương thu hoạch nhãn trà muộn nhằm hạn chế ảnh hưởng của mưa bão Tại các công trình đang thi công, lồng bè nuôi thả thủy sản trên sông Hồng, sông Luộc cũng đang được thực hiện việc chằng buộc và sẵn sàng có phương án bảo vệ, tránh để xảy ra sự cố lớn, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão. Công ty Điện lực Hưng Yên chủ động phương án cấp điện cao nhất cho tất cả các trạm bơm tiêu thoát nước trong suốt thời gian có mưa bão. Cùng với các biện pháp ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại do bão số 1 gây ra, sau ảnh hưởng của bão gây mưa lớn, ngập úng diện tích cây ăn quả, rau màu, lúa mùa, ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh đề nghị các địa phương cần tăng cường hướng dẫn nông dân tập trung chăm sóc, bảo vệ cây trồng bằng các biện pháp như: Khoanh vùng ưu tiên bơm tiêu nhanh đối với những diện tích lúa, rau màu và cây ăn quả nếu bị úng ngập, không được để úng ngập kéo dài. Đối với cây lúa, hướng dẫn nông dân dựng, buộc lại những diện tích lúa bị đổ (buộc từ 3-4 khóm với nhau để hạn chế lúa nảy mầm trên bông, đồng thời thuận lợi cho phòng trừ sâu bệnh) và giữ mực nước 5-7cm để lúa trỗ bông, làm hạt được tốt và bảo đảm công tác bảo vệ thực vật. Chủ động phòng trừ các đối tượng sâu bệnh hại như bạc lá - đốm sọc vi khuẩn, bệnh khô vằn và rầy nâu... Đối với cây rau màu, dọn sạch tàn dư thực vật, thân lá bị dập, nát do mưa bão; tiến hành trồng dặm bảo đảm mật độ và tận thu những diện tích rau màu bị ảnh hưởng. Khi hết mưa phải xới xáo phá váng ngay, khi cây trồng hồi phục mới tiến hành các biện pháp chăm sóc theo quy trình của từng cây. Chuẩn bị hạt giống rau màu sẵn sàng để gieo trồng lại khi điều kiện thời tiết thuận lợi. Đối với cây ăn quả, dọn sạch tàn dư cành lá, cây trồng bị đổ gãy. Tiến hành nèn đất, vun gốc cho những cây bị long gốc, sau đó có thể tưới thuốc trừ nấm hoặc các chế phẩm sinh học đối kháng nấm để hạn chế cây bị nấm bệnh xâm nhập. Trên diện tích bị úng, không được chăm bón bất kỳ loại phân bón nào cho cây, phải chờ cây hồi phục hẳn mới tiến hành các biện pháp chăm bón. Cùng với triển khai các phương án bảo vệ sản xuất nông nghiệp, các địa phương cần chủ động các biện pháp ứng phó với siêu bão Yagi nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân tại các khu vực nguy hiểm; chỉ đạo bảo đảm an toàn công trình đê điều, an toàn giao thông, hạn chế thiệt hại về nhà ở, kho tàng, trụ sở, công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp; phòng, chống ngập úng khu đô thị và khu công nghiệp. Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại khu vực trọng điểm xung yếu để sẵn sàng triển khai xử lý kịp thời các tình huống phát sinh trong bão, lũ. Báo Hưng Yên
Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh và các thành viên UBND tỉnh họp xem xét, cho ý kiến về một số nội dung quan trọng