Kết quả kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII

Sau hơn một tháng làm việc (từ ngày 20/10 đến ngày 27/11/2015) với tinh thần đoàn kết, dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm cao, kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã kết thúc tốt đẹp, hoàn thành chương trình đề ra với khối lượng công việc rất lớn, quan trọng về công tác lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao, kết quả chủ yếu như sau. Nội dung kết quả kỳ họp thứ 10, được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh báo cáo đến cử tri các huyện Ân Thi, Phù Cừ, Tiên Lữ, Kim Động, Khoái Châu, Yên Mỹ, Mỹ Hào, Văn Giang, Văn Lâm và thành phố HưngYên, thời gian từ ngày 01 đến ngày 4 tháng 12.

I. CÔNG TÁC LẬP PHÁP

Mặc dù là kỳ họp cuối năm, công tác xây dựng pháp luật vẫn được xác định là một nội dung trọng tâm với nhiều dự án luật, bộ luật quan trọng nhằm tiếp tục triển khai đưa Hiến pháp vào cuộc sống. Quốc hội đã dành phần lớn thời gian để xem xét, thảo luận, thông qua 16 luật, 16 nghị quyết[1]. Việc thông qua các luật, bộ luật này đã cơ bản hoàn thiện hệ thống pháp luật về tư pháp theo tinh thần Hiến pháp 2013. Các luật, bộ luật đã được Quốc hội thông qua với nhiều nội dung đổi mới, tiến bộ, phù hợp với thông lệ quốc tế nhằm đẩy mạnh cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cụ thể hóa và bảo đảm các quyền con người, quyền công dân; tăng cường hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm; góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của nước ta.

Các Luật, bộ luật được Quốc hội thông qua tiếp tục thể chế hóa chủ trương của Đảng, cụ thể các quy định mới của Hiến pháp về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; đổi mới hoạt động giám của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, phát huy vai trò của giám sát trong việc góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy nhà nước. Phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng nhà nước pháp quyền, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình, tham gia rộng rãi, trực tiếp vào những vấn đề trọng đại của đất nước. Nội quy kỳ họp Quốc hội mới được ban hành cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp, Luật tổ chức Quốc hội và nhiều đạo luật khác, bảo đảm đầy đủ nguyên tắc, quy trình, thủ tục thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội tại kỳ họp.

Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về 10 dự án luật[2] tập trung thể chế hóa Hiến pháp 2013 về quyền cơ bản của con người, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, tín ngưỡng... để làm cơ sở cho việc tiếp tục hoàn thiện dự án, trình xem xét thông qua tại kỳ họp sau.

Quốc hội đã giao Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các ngành, các cấp có kế hoạch, khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện các luật, bộ luật, nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua, sớm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dụcpháp luật, góp phần đưa luật sớm đi vào cuộc sống. Các cơ quan của Quốc hội thường xuyên giám sát việc thi hành luật; đồng thời có kế hoạch phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ và các cơ quan hữu quan trong việc bảo đảm tiến độ, chất lượng chuẩn bị các dự án trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016.

II. XEM XÉT, QUYẾT ĐỊNH CÁC VẤN ĐỀ QUAN TRỌNG

1. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước

Trên cơ sở xem xét, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2015, 5 năm 2011-2015, Quốc hội đã quyết định kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2016. Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, kinh tế-xã hội trong nước còn nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, kinh tế-xã hội nước ta năm 2015 đã có chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực, cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu chủ yếu đã đề ra. Lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô dầnn định, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm. Các đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng được đẩy mạnh và đạt một số kết quả bước đầu. Văn hoá, xã hội có bước phát triển, an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu được tăng cường. Cải cách hành chính đạt những kết quả tích cực; công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí được chú trọng. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, chủ quyền quốc gia được giữ vững. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được chủ động đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả quan trọng...Tuy nhiên, Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, yếu kém cần sớm có giải pháp căn cơ, đồng bộ để giải quyết, đó là: chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Khu vực kinh tế trong nước, nhất là khu vực nông nghiệp, xuất khẩu nông sản vẫn đứng trước khó khăn, thách thức lớn. Tăng chi ngân sách ngày càng lớn gây áp lực đối với cả chính sách ngắn hạn và dài hạn. Cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt yêu cầu; kỷ luật, kỷ cương công vụ chưa nghiêm; trật tự an toàn xã hội ở một số nơi diễn biến phức tạp. Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo đứng trước những thách thức mới...

Trên cơ sở tình hình thực tiễn, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016. Theo đó, Quốc hội đặt ra mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2015, chú trọng cải thiện chất lượng tăng trưởng, bảo đảm phát triển bền vững. Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh. Phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân. Quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính và xã hội; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tạo sự chuyển biến rõ nét về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tăng cường quốc phòng, an ninh, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia; bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016. Theo đó, tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 1.014.500 tỷ đồng; tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.273.200 tỷ đồng; mức bội chi ngân sách nhà nước là 254.000 tỷ đồng.

Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2016. Theo đó, tổng số thu cân đối ngân sách trung ương là 596.882 tỷ đồng; tổng số chi cân đối ngân sách trung ương là 850.882 tỷ đồng, trong đó dự toán 220.278 tỷ đồng để bổ sung cân đối, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.

Quốc hội quyết định từ  ngày 01tháng 01 năm 2016 thực hiện điều chỉnh tiền lương đối với người có mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động dưới 2.000.000 đồng/tháng và trợ cấp đối với giáo viên mầm non có thời gian công tác trước năm 1995 để lương hưu của các đối tượng này đạt mức lương cơ sở.Từ ngày 01 tháng 5 năm 2016, thực hiện điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1.150.000 đồng/tháng lên 1.210.000 đồng/tháng (tăng khoảng 5%) đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, bảo đảm thu nhập của đối tượng có hệ số lương từ 2,34 trở xuống không giảm so với mức đang hưởng; riêng lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công, tiếp tục giữ mức đã tăng 8% như đã thực hiện năm 2015.

2- Thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về tổng kết tình hình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015, chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020. Quốc hội thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020. Theo đó, Quốc hội tán thành việc tổ chức lại chương trình mục tiêu quốc gia theo hướng thu gọn đầu mối và quyết định trong giai đoạn 2016-2020 chỉ đầu tư 2 chương trình, gồm chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Mục tiêu của các chương trình này nhằm tập trung nguồn lực xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, xây dựng  kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị; xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh, trật tự được giữ vững. Phấn đấu đến năm 2020 số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới khoảng 50%, không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí.

Thực hiện giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, tăng thu nhập của người nghèo giai đoạn 2016-2020; giảm tỷ lệ nghèo cả nước bình quân 1,0%-1,5%/năm; riêng các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn giảm 4%/năm theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2016-2020.

3. Về chuẩn bị cho công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2020:

Triển khai thực hiện Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật tổ chức Quốc hội và chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021,Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia, bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, phê chuẩn danh sách các Phó Chủ tịch, Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia, quyết định ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 dự kiến vào ngày Chủ nhật, 22/5/2016. Quốc hội đã bầu Tổng thư ký để thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Luật tổ chức Quốc hội từ 01/01/2016.

4. Về góp ý kiến các dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng:

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã dành thời gian để các Đoàn đại biểu Quốc hội thảo luận, góp ý kiến dự thảo Báo cáo chính trị và dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Đại biểu Quốc hội đã phát huy dân chủ, trí tuệ, trách nhiệm trước Đảng, đất nước, Nhân dân; tích cực nghiên cứu, đóng góp ý kiến chất lượng, bảo đảm yêu cầu về nội dung, tiến độ, góp phần nâng cao chất lượng các dự thảo văn kiện. Về cơ bản, đại biểu Quốc hội nhất trí với các nội dung của các dự thảo văn kiện và cho rằng các dự thảo đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, có đổi mới, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân; có nhiều nội dung mới, mang tính tổng kết, lý luận và thực tiễn cao; đánh giá khá toàn diện tình hình thực tế của đất nước; làm rõ những kết quả đạt được, hạn chế, khuyết điểm và xác định phương hướng, mục tiêu, một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Đại biểu Quốc hội đánh giá cao việc sớm công bố, tổ chức lấy ý kiến của nhân dân, đại biểu Quốc hội về dự thảo các văn kiện. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị làm rõ hơn những thành tựu nổi bật trong 5 năm qua, kiến nghị nhiệm vụ trọng tâm, có tính đột phá trong 5 năm tới; bổ sung những điểm mới trong tổ chức, lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ nhiệm kỳ này so với các nhiệm kỳ trước…

III. GIÁM SÁT TỐI CAO

1.Xem xét báo cáo và giám sát chuyên đề:

Quốc hội xem xét các báo cáo theo quy định của pháp luật như: các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao;các báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án, công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác phòng, chống tham nhũng năm 2015; báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 9.

Quốc hội đã tiến hành giám sát tối caoViệc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004-2014 và ban hành Nghị quyết về tăng cường quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng. Quốc hội ghi nhận sự cố gắng của các nông, lâm trường quốc doanh trong đổi mới mô hình tổ chức và cách thức tổ chức quản lý, sản xuất kinh doanh; đã có nhiều công ty nông, lâm nghiệp sản xuất, kinh doanh đạt được hiệu quả kinh tế cao, từng bước thích ứng với cơ chế kinh tế thị trường, Quốc hội cũng nhận định việc quản lý, sử dụng đất đai của các nông, lâm trường còn lãng phí và kém hiệu quả, chưa tương xứng với nguồn lực tài nguyên được nhà nước giao quản lý, sử dụng; còn thất thoát lớn tài nguyên, tài chính quốc gia. Nghị quyết Quốc hội yêu cầu Chính phủ thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp để tăng cường hiệu lực quản lý, hiệu quả sử dụng đất đai và nguồn tài chính, tài nguyên quốc gia thuộc các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng đất đai có nguồn gốc từ đất nông, lâm trường.

2. Chất vấn và trả lời chất vấn:

Tại kỳ họp này, có 4.492 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội; 140 câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội gửi đến Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành. Nội dung và cách thức tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này có sự đổi mới. Quốc hội xem xét, đánh giá một cách toàn diện việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015, sau đó chất vấn lại một số vấn đề; xem xét trách nhiệm của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc thực hiện các quyết định của Quốc hội liên quan đến các vấn đề quốc kế dân sinh, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã diễn ra sôi nổi, dân chủ, thẳng thắn; được phát thanh truyền hình trực tiếp, thu hút được sự quan tâm của đông đảo cử tri và đồng bào cả nước. Quốc hội ghi nhận sự nỗ lực của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội. Việc thực hiện các nghị quyết đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, có tác động mạnh đến việc hoàn thành hệ thống pháp luật, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhiều lĩnh vực, góp phần quan trọng trong việc hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống nhân dân. Tuy nhiên, Quốc hội cho rằng vẫn còn lĩnh vực chuyển biến chậm, một số vấn đề được nêu trong nghị quyết nhưng thực tế triển khai chưa đạt yêu cầu, gây bức xúc kéo dài trong dư luận và nhân dân; đồng thời, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục có giải pháp tích cực để khắc phục những tồn tại, hạn chế. Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, 3 Phó Thủ tướng và 16 thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã trả lời chất vấn. Về cơ bản các thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã nắm rõ vấn đề, trả lời trực tiếp vào nội dung chất vấn, không né tránh những vấn đề phức tạp, giải trình làm rõ nhiều vấn đề được đại biểu nêu; nhận trách nhiệm cá nhân, đề xuất giải pháp và thể hiện sự quyết tâm thực hiện để làm chuyển biến tình hình. Tuy nhiên, có lúc, có nội dung chưa được bộ trưởng, trưởng ngành trả lời đi vào trọng tâm, chưa đáp ứng được yêu cầu của đại biểu. Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIII về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn, yêu cầu Thủ tướng Chính phủ, các vị bộ trưởng, trưởng ngành tiếp tục thực hiện có kết quả những cam kết về trách nhiệm đã hứa trước Quốc hội và cử tri cả nước, làm cơ sở để Quốc hội khóa XIV tiếp tục giám sát việc thực hiện, đáp ứng yêu cầu của nhân dân.

 



[1]Bộ luật dân sự (sửa đổi); Bộ luật hình sự (sửa đổi); Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi); Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi); Luật tố tụng hành chính (sửa đổi); Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Luật tạm giữ, tạm giam; Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Luật trưng cầu ý dân; Luật kế toán (sửa đổi); Luật thống kê (sửa đổi); Luật an toàn thông tin; Luật phí, lệ phí; Bộ luật hàng hải Việt Nam (sửa đổi); Luật khí tượng, thủy văn; Luật quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng.

Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016; Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016; Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2016; Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); Nghị quyết về thực hiện chế định Thừa phát lại; Nghị quyết phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thành lập Tổ chức thương mại thế giới (WTO); Nghị quyết về tăng cường quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng; Nghị quyết về tiếp tục thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội khóa XIII về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn; Nghị quyết về ngày bầu cử, thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; Nghị quyết bầu Tổng thư ký Quốc hội; Nghị quyết về việc thi hành Bộ luật hình sự; Nghị quyết về việc thi hành Luật tố tụng hành chính; Nghị quyết về việc thi hành Bộ luật tố tụng dân sự; Nghị quyết về việc thi hành Bộ luật tố tụng hình sự; Nghị quyết về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án năm 2016 và các năm tiếp theo.

[2] Luật về hội; Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi); Luật báo chí (sửa đổi); Luật tiếp cận thông tin; Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi); Luật tín ngưỡng, tôn giáo; Luật đấu giá tài sản; Luật dược (sửa đổi);Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế.

[1]Bộ luật dân sự (sửa đổi); Bộ luật hình sự (sửa đổi); Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi); Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi); Luật tố tụng hành chính (sửa đổi); Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Luật tạm giữ, tạm giam; Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Luật trưng cầu ý dân; Luật kế toán (sửa đổi); Luật thống kê (sửa đổi); Luật an toàn thông tin; Luật phí, lệ phí; Bộ luật hàng hải Việt Nam (sửa đổi); Luật khí tượng, thủy văn; Luật quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng.

Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016; Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016; Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2016; Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); Nghị quyết về thực hiện chế định Thừa phát lại; Nghị quyết phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thành lập Tổ chức thương mại thế giới (WTO); Nghị quyết về tăng cường quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng; Nghị quyết về tiếp tục thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội khóa XIII về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn; Nghị quyết về ngày bầu cử, thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; Nghị quyết bầu Tổng thư ký Quốc hội; Nghị quyết về việc thi hành Bộ luật hình sự; Nghị quyết về việc thi hành Luật tố tụng hành chính; Nghị quyết về việc thi hành Bộ luật tố tụng dân sự; Nghị quyết về việc thi hành Bộ luật tố tụng hình sự; Nghị quyết về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án năm 2016 và các năm tiếp theo.


Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
36 người đang online