09/09/2024 | lượt xem: 1 Ghi nhận những thiệt hại ban đầu do bão số 3 tại một số địa phương Từ chiều ngày 7/9, do ảnh hưởng trực tiếp của bão số 3, trên địa bàn tỉnh có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9, cấp 11 và kèm theo mưa lớn. Lượng mưa trong tỉnh từ ngày 6/9 đến 6h ngày 8/9 đạt trung bình 159,8mm; trong đó một số địa phương có lượng mưa lớn như: thành phố Hưng Yên 147mm, Yên Mỹ 278mm, Mỹ Hào 154mm, Tiên Lữ 193mm, Ân Thi 194mm, Phù Cừ 208mm, Kim Động 184mm… Bão số 3 làm hàng trăm nhà xưởng, kho tàng của Nhân dân bị đổ sập Nông dân huyện Ân Thi dựng buộc lúa bị đổ Theo báo cáo của Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, đến 6h 30 phút ngày 8/9, toàn tỉnh đang vận hành 42 trạm bơm với 85 tổ máy hoạt động tiêu thoát nước. Bão số 3 đã làm 951 ngôi nhà tốc mái, 1 nhà bị sập; 9.236 cây xanh bị gãy đổ; ước tính có gần 14,7 nghìn héc-ta cây trồng bị thiệt hại, trong đó cây lúa hơn 12,1 nghìn héc-ta, hơn 1.840 héc-ta cây ăn quả, 493 héc-ta cây rau màu, 337 héc ta cây trồng khác; 92 cột điện bị đổ, 540 mét tường rào đổ, hư hỏng 10 chuồng trại, 899 biển quảng cáo bị hỏng, 105 trạm bơm tưới tiêu kết hợp bị mất điện; huyện Văn Giang có 4 ô tô, 6 xe máy và thành phố Hưng Yên có 1 ô tô bị cây đổ đè lên gây hư hỏng. Huyện Phù Cừ có 3.200m2 nhà lưới bị tốc mái và 490m2 mái chống nóng trụ sở, trường học bị tốc mái; 24 lồng cá của nông dân huyện Kim Động và 24 lồng cá của nông dân huyện Khoái Châu bị hư hỏng. Tại Hạt quản lý đê của một số địa phương, công trình, vật tư bị hư hỏng. Diện tích trồng ngô ở khu vực đất bãi xã Tân Hưng (thành phố Hưng Yên) bị đổ do ảnh hưởng của bão số 3 Diện tích trồng chuối ở xã Phú Cường (thành phố Hưng Yên) bị gãy đổ do ảnh hưởng của bão số 3 Theo báo cáo của ngành điện, ảnh hưởng của bão số 3 làm mất điện 8 lộ đường dây 110kV. Đến sáng ngày 8/9, đã khôi phục vận hành 8/8 lộ đường dây 110kV; mất điện tổng số 97 lộ đường dây 22kV, 35kV; đã khôi phục vận hành 65/97 lộ đường dây 22kV, 35kV. Toàn tỉnh có khoảng 326.000 khách hàng bị mất điện, khôi phục cấp điện lại cho 284.000 khách hàng. Ước tính, thiệt hại do bão số 3 khoảng 150 tỷ đồng, trong đó, lúa và hoa màu 40 tỷ đồng, công trình điện 30 tỷ đồng, nhà cửa, chuồng trại và các thiệt hại khác khoảng 80 tỷ đồng. Trạm bơm An Vũ (thành phố Hưng Yên) đã được vận hành từ sáng sớm ngày 8/9 Đến ngày 8/9, bão số 3 đã gây ra nhiều thiệt hại trên địa bàn thành phố Hưng Yên, trong đó, 58 héc-ta lúa bị đổ, 87 héc-ta cây rau màu bị dập nát, gần 430 héc-ta chuối đổ gãy, gần 20 héc-ta cây ăn quả, cây có múi bị rụng quả, 930 cây xanh đô thị gãy, bật gốc, 90 biển quảng cáo đổ gãy, 16 cột điện và 1 cột đèn bị đổ, 44 nhà mái tôn bị tốc mái. Thành phố đã chỉ đạo di dời 7 hộ dân với 27 người về nơi an toàn tránh bão. Ngoài ra, một số trụ sở, nhà làm việc, hội trường của xã, phường ở thành phố cũng bị tốc mái, Trạm biến áp chợ Gạo thuộc địa bàn phường An Tảo bị chập cháy... Các đơn vị, lực lượng chức năng của thành phố đã nhanh chóng tập trung nhân lực, thiết bị để khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra. Các tuyến đường có cây xanh gãy đổ nhanh chóng được thu dọn, bảo đảm an toàn giao thông. Điện lực thành phố Hưng Yên tập trung lực lượng khắc phục ngay các sự cố về điện bảo đảm cấp điện cho các trụ sở, cơ quan, đơn vị, các trạm bơm tiêu úng và Nhân dân. Đến thời điểm này các sự cố về lưới điện cơ bản được khắc phục. Nông dân khẩn trương chăm sóc cho diện tích lúa, rau màu, cây ăn quả... Thành phố tiếp tục huy động nhân lực ứng trực tại các trạm bơm, sẵn sàng tiêu thoát nước ở mức cao nhất để phòng ngừa ngập úng do mưa lớn sau bão. Cây xanh đổ chắn ngang đường giao thông tại xã Hoàn Long (Yên Mỹ) Xã Yên Phú (Yên Mỹ) xử lý, khắc phục sự cố gãy, đổ cây xanh do bão số 3 Đến 7h ngày 8/9, huyện Yên Mỹ ghi nhận 38 nhà bị tốc mái, trong đó, 2 nhà bị tốc mái hoàn toàn; 144 cây xanh bị gãy đổ; 9 cột điện bị gãy đổ; 8 trạm bơm bị mất điện do sự cố; nhiều khu vực bị mất điện; trên 560 héc-ta cây trồng bị thiệt hại, trong đó, trên 330 héc-ta lúa bị đổ nghiêng, gần 138 héc-ta cây ăn quả bị gãy đổ, rụng quả; 91 héc-ta rau màu khác bị ảnh hưởng. Một số công trình của các cơ quan, đơn vị trong huyện bị đổ lán, tường và vỡ cửa sổ. Hiện nay, các đơn vị chức năng và các địa phương trong huyện đang tập trung phương tiện, nhân lực để khắc phục như: Cắt dọn cây xanh gãy đổ; sửa chữa hạ tầng, đường dây điện bị hư hỏng; vận hành bơm tiêu úng; gia cố, nối các đường dây thông tin liên lạc bị rơi, đứt… Xí nghiệp Khai thác công trình thuỷ lợi Châu Giang khơi thông dòng chảy hệ thống kênh, mương, bảo đảm cho việc thoát nước Lực lượng Cảnh sát giao thông (Công an huyện Khoái Châu) hỗ trợ khắc phục hậu quả do mưa bão trên các tuyến đường Theo báo cáo của huyện Khoái Châu, đến 6h ngày 8/9, toàn huyện có 426 cây xanh bị đổ, hơn 750 héc-ta lúa, cây ăn quả và rau màu bị ảnh hưởng; 24 lồng, bè cá bị hư hỏng; 6 cột điện bị đổ, một số mái tôn và biển quảng cáo bị lật… Để khắc phục hậu quả do cơn bão gây ra, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện đã chỉ huy, chỉ đạo các ngành, đơn vị liên quan và UBND các xã, thị trấn khẩn trương khắc phục các sự cố cây xanh bị đổ, gãy để tạo điều kiện giao thông đi lại; khắc phục sự cố cột điện đổ để có điện phục vụ cho các trạm bơm tiêu úng và sinh hoạt của Nhân dân; khắc phục sự cố về đường truyền mạng internet. Duy trì hoạt động của các trạm bơm để tiêu úng cho các khu vực trũng, thấp bảo đảm thoát nước nhanh cho diện tích cây trồng bị ngập úng, các khu dân cư bị ngập; chỉ đạo khoanh vùng tiêu úng theo phương châm ngăn cao, tháo trũng ở từng khu vực và bằng mọi khả năng hiện có tiếp tục khơi thông các dòng chảy, dỡ bỏ các vật cản để dòng chảy được thông thoáng; huy động nhân lực, máy bơm kể cả bơm dã chiến bảo đảm tiêu thoát nhanh, kịp thời cho các loại cây trồng… Nông dân xã Mễ Sở (Văn Giang) khắc phục hậu quả sau cơn bão số 3 trong sáng ngày 8/9 Nhiều diện tích trồng bưởi, quất cảnh của nông dân huyện Văn Giang bị vỡ chậu, rụng quả, gãy cành Mưa to kèm gió lớn đã khiến 65 hộ của huyện Văn Giang bị tốc mái nhà; gãy đổ 2.160 cây xanh, hư hỏng 110 biển quảng cáo; 150 héc-ta nhà giàn, nhà lưới bị sập, hư hỏng; khoảng 70 héc-ta hoa, cây cảnh bị vỡ chậu, rụng quả, gãy cành; 65 héc-ta rau màu bị dập nát; 55 héc-ta cây ăn quả bị gãy đổ; 4 xe ô tô, 6 xe máy, 2 xe cải tiến bị cây đè gây thiệt hại; 13 cột điện hạ thế bị gãy đổ… Để hạn chế ảnh hưởng của cơn bão số 3 đến đời sống và sản xuất của người dân, huyện Văn Giang chỉ đạo Xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi Châu Giang vận hành tối đa các trạm bơm tiêu úng. Điện lực Văn Giang huy động nhân lực khắc phục sự cố lưới điện, bảo đảm cấp điện liên tục phục vụ bơm tiêu úng và dân sinh; chính quyền và Nhân dân các địa phương tranh thủ thời tiết thuận lợi khắc phục hậu quả của mưa bão, quan tâm hỗ trợ gia đình chính sách, neo đơn để người dân sớm ổn định cuộc sống. Cây, cột điện gãy đổ tại xã Hải Triều (Tiên Lữ) Nhà lưới trồng rau màu tại xã Thiện Phiến (Tiên Lữ) bị tốc mái Nhiều diện tích rau màu của xã Nhật Tân (Tiên Lữ) bị ngập, gãy đổ Theo tổng hợp của huyện Tiên Lữ, đến 6h ngày 8/9, bão số 3 đã làm 85 nhà ở, 150 nhà xưởng, 3 trường tiểu học bị tốc mái tôn; 3.000 cây xanh bị đổ, gãy; hơn 1.200 héc-ta lúa bị đổ; 80 héc-ta rau màu bị ngập hỏng; 8 héc-ta cây ăn quả bị gãy đổ; 2 cột điện hạ thế bị gãy đổ; nhiều biển quảng cáo bị tốc, gãy đổ. Huyện chỉ đạo các địa phương tập trung giải tỏa cây gãy đổ, mái tôn, biển quảng cáo để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện đi lại; khẩn trương buộc, dựng diện tích lúa bị đổ; nhanh chóng khắc phục sự cố tại các trường học để bảo đảm cho học sinh đến trường; dọn, cắt tỉa cành cây bị gãy tại những vườn cây ăn quả… Diện tích trồng cây ăn quả của nông dân xã Hưng Đạo (Tiên Lữ) bị thiệt hại do bão số 3 Nông dân xã Thiện Phiến (Tiên Lữ) bơm nước tiêu úng cho diện tích rau màu bị ngập Người dân xã Nhật Tân (Tiên Lữ) dọn cây gãy, đổ Trong những ngày tới, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đề nghị các ngành, địa phương tập trung lực lượng khắc phục ngay các sự cố do mưa bão, ưu tiên các tuyến đường giao thông, bệnh viện, trung tâm y tế, trụ sở các cơ quan, các nơi tránh trú của Nhân dân, các doanh nghiệp, diện tích lúa, rau màu bị ngập úng, gãy đổ; khẩn trương thống kê thiệt hại, hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày, nhất là trẻ em, người già và các đối tượng yếu thế. Tăng cường công tác kiểm tra và bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đê điều, đặc biệt những công trình chính, quan trọng, những vị trí xung yếu để bảo đảm tốt công tác phòng, chống bão, mưa lớn, ngập úng và xử lý kịp thời các sự cố có thể xảy ra. Tiếp tục chỉ đạo các địa phương, đơn vị và người dân chủ động nạo vét, khơi thông các vị trí ách tắc dòng chảy, bảo đảm thông thoáng, tiêu thoát nước kịp thời cho cây trồng, khu dân cư, đô thị. Báo Hưng Yên
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Văn dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc - Ngày hội văn hóa quân dân Khu dân cư Yến Đô
Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương khảo sát tình hình thực hiện Nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị về hợp tác đầu tư nước ngoài tại Hưng Yên