Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) Cần có quy định về tiêu chuẩn, tiêu chí để quản lý, hậu kiểm

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 25, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, sáng nay, 14.8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)

Cần có quy định về tiêu chuẩn, tiêu chí để quản lý, hậu kiểm -0Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Không điều chỉnh với nước khoáng, nước nóng thiên nhiên

Báo cáo một số vấn đề lớn trong việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật (Điều 1), có ý kiến đề nghị bổ sung nước khoáng và nước nóng thiên nhiên vào phạm vi điều chỉnh của Luật.

Về vấn đề này, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật còn có 2 loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, nước khoáng, nước nóng thiên nhiên có tính chất lý, hóa đặc biệt, có giá trị kinh tế cao hơn nước thông thường nên cần có yêu cầu quản lý nghiêm ngặt, chặt chẽ như một loại tài nguyên, khoáng sản có giá trị kinh tế cao; hiện loại nước này đang được quản lý ổn định theo pháp luật về khoáng sản. Do đó, không bổ sung 2 loại nước này trong phạm vi điều chỉnh của Luật để tránh xáo trộn. Đây cũng là phương án Chính phủ trình Quốc hội.

Cần có quy định về tiêu chuẩn, tiêu chí để quản lý, hậu kiểm -2Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, nước khoáng, nước nóng thiên nhiên là tài nguyên nước dưới đất nhưng chứa khoáng chất, có nhiệt độ cao hơn nước thông thường. Tuy vậy, loại nước này vẫn có đầy đủ các đặc tính của nước nên cần được quản lý thống nhất trong Luật. Hơn nữa, nước khoáng, nước nóng thiên nhiên khác với các loại khoáng sản khác ở khả năng có thể tái tạo nếu được khai thác và sử dụng hợp lý. Do đó, nên đưa vào đối tượng điều chỉnh của Luật Tài nguyên nước để khai thác, sử dụng hiệu quả.

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đồng tình với loại ý kiến thứ nhất và giữ nội dung này như khoản 2 Điều 1 dự thảo Luật.

Về điều hòa, phân phối tài nguyên nước (Điều 35, Điều 36), Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Huy cho biết, có ý kiến đề nghị quy định rõ căn cứ, nguyên tắc, giải pháp điều hòa, phân phối tài nguyên nước để bảo đảm hài hòa lợi ích các bên; cần có quy định về việc dự báo được tình hình tài nguyên nước hàng năm để có phương án điều hòa, phân phối hợp lý; quy định trách nhiệm của các Bộ, ngành và địa phương trong điều hòa, phân phối tài nguyên nước.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã chỉnh sửa, bổ sung khoản 1 Điều 35 về căn cứ, nguyên tắc; khoản 2,3,4 Điều 35 về giải pháp điều hòa, phân phối tài nguyên nước; khoản 3 và 5 Điều 35 bổ sung quy định dự báo khí tượng, thuỷ văn, xu thế diễn biến lượng mưa, dòng chảy, lượng nước tích trữ tại các hồ chứa để dự báo lượng nước theo các thời kỳ trong năm nhằm chủ động kịch bản điều hòa, phân phối, bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên khai thác, sử dụng nước; bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ có liên quan và UBND các tỉnh trên lưu vực sông trong hoạt động điều hòa, phân phối tài nguyên nước tại khoản 5 Điều 35.

Cân nhắc bổ sung khái niệm “nước thải”

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với Báo cáo của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Đánh giá cao tinh thần nghiên cứu, tiếp thu của cơ quan chủ trì soạn thảo và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ đồng tình với việc rà soát lại các điều khoản quy định chi tiết để luật hóa những điều có thể luật hóa được.

Cần có quy định về tiêu chuẩn, tiêu chí để quản lý, hậu kiểm -1Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Từ Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đã nêu 1 quan điểm rất lớn là phải “kinh tế hóa ngành tài nguyên, môi trường”. Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, nước là một loại tài nguyên, vì vậy, phải bám sát cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong việc quản lý, sử dụng nguồn tài nguyên này.

Tại Chương I về những quy định chung, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cân nhắc bổ sung khái niệm “nước thải” bởi đây cũng được coi là 1 loại tài nguyên. Bên cạnh đó, liên quan đến các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 10, cần quy định cụ thể các quy hoạch khác có liên quan chứ không chỉ là quy hoạch tài nguyên nước và quy hoạch tỉnh.

Ở Chương III về bảo vệ tài nguyên nước và phục hồi nguồn nước, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu, xem xét bổ sung một điều mang tính nguyên tắc về bảo vệ “nước mặt”. Cùng đó, các quy định trong dự thảo Luật chủ yếu quản lý bằng giấy phép, các giấy phép cũng quan trọng nhưng mới chỉ là vấn đề tiền kiểm. Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề, nên chăng phải tăng thêm các quy định về tiêu chuẩn, tiêu chí để quản lý hậu kiểm; quản lý gì cũng phải bằng tiêu chuẩn, quy trình để cho các đối tượng tự giác tổ chức thực hiện.

Tán thành với quan điểm của Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường về việc không điều chỉnh nước khoáng và nước nóng thiên nhiên tại dự thảo Luật, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, bên cạnh những lý giải Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã đưa ra thì nước khoáng và nước nóng thiên nhiên đã thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Khoáng sản và được giải thích cụ thể tại phần giải thích từ ngữ ở khoản 2 và 3 Điều 2 của Luật Khoáng sản. Hơn nữa, mặc dù nước khoáng và nước nóng thiên nhiên có đầy đủ các đặc tính của nước nhưng 2 loại nước này có tính chất lý hóa đặc biệt và có giá trị kinh tế cao nên cần được điều chỉnh nghiêm ngặt bởi pháp luật chuyên ngành.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, cơ quan soạn thảo, các bộ, cơ quan hữu quan trong việc nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ Năm để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu đầy đủ các ý kiến để hoàn thiện dự thảo Luật và các tài liệu liên quan, gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan theo quy định; hoàn chỉnh hồ sơ dự án Luật và chuẩn bị các nội dung cơ bản, cốt lõi để trình tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách và trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu.

Báo Đại biểu nhân dân

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
35 người đang online