Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản Khắc phục tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, thông đồng trong đấu giá tài sản

Cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung Luật hiện hành phải khắc phục cho được những sơ hở, bất cập, chồng chéo có nguy cơ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong đấu giá tài sản, đặc biệt là đấu giá trong lĩnh vực đất đai.

Kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản đã bổ sung nhiều quy định về địa điểm, thời gian bán, tiếp nhận hồ sơ, thành phần hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá theo hướng bảo đảm tính minh bạch, khách quan, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia đấu giá, đồng bộ với việc nộp tiền đặt trước. Cùng với đó, dự án Luật cũng bổ sung cách thức bán, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá bằng hình thức trực tuyến góp phần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin.

Khắc phục tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, thông đồng trong đấu giá tài sản -0Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Ghi nhận những điểm mới của dự án Luật này so với Luật hiện hành, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Đấu giá tài sản tại thời điểm này là rất cần thiết để kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng, nhất là những ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, khắc phục những sơ hở, bất cập đã được nhận diện, những vấn đề gây bức xúc trong dư luận, đặc biệt là sau vụ việc đấu giá quyền sử dụng đất ở Thủ Thiêm của Tập đoàn Tân Hoàng Minh và một số những trường hợp ở một số địa phương khác; khắc phục tình trạng quân xanh, quân đỏ, thổi giá, ép giá, thông đồng trong đấu giá tài sản.

Bên cạnh đó, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, việc sửa đổi, bổ sung luật hiện hành cũng rất cần thiết để bảo đảm sự thống nhất với quy định trong một số luật mới được thông qua sau khi Luật Đấu giá tài sản được ban hành.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, vấn đề đấu giá tài sản nóng lên khi vụ đấu giá đất ở Thủ Thiêm của Tập đoàn Tân Hoàng Minh xảy ra. Kết quả trúng đấu giá hơn 2 tỷ đồng/1m2 đất, nhưng, cuối cùng doanh nghiệp đã bỏ cọc và nói rằng "theo Luật Đấu giá tài sản hiện hành thì họ không vi phạm gì”. Sau này, cơ quan xét xử cũng phải xử lý ở một tội khác. Đưa ra thực tế này, Chủ tịch Quốc hội nêu câu hỏi: Việc sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản lần này có giải quyết được vấn đề này, cũng như các bất cập, khó khăn khác phát sinh trong quá trình đấu giá tài sản khác đã thấy rõ không?

Bên cạnh đó, hiện nay, tài sản cũng rất đa dạng, không chỉ có nhiều dạng tài sản hữu hình mà tài sản vô hình cũng ngày càng nhiều. Trong khi đó, tài sản vô hình đôi khi lại có giá trị rất lớn. "Như vậy, tài sản vô hình của doanh nghiệp có đem ra đấu giá hay không, đấu giá như thế nào, tài sản nào điều chỉnh bởi Luật Đấu giá tài sản, tài sản nào điều chỉnh bởi luật khác?", Chủ tịch Quốc hội nêu vấn đề.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản phải khắc phục những sơ hở, bất cập, chồng chéo có nguy cơ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, cục bộ, lợi ích nhóm. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, tại Tờ trình dự án Luật trình ra Quốc hội phải nói rõ: pháp luật về đấu giá tài sản là một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, trong đó Luật Đấu giá tài sản chỉ là một luật và chủ yếu mang tính hình thức.

Những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực đấu giá tài sản hiện nay nằm ở trong nhiều văn bản chứ không chỉ nằm ở trong Luật này. Trên thực tế, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng có nhiều văn bản yêu cầu phải rà soát, phải sửa đổi để khắc phục những sơ hở, bất cập, chồng chéo, có nguy cơ xảy ra tham nhũng, tiêu cực cục bộ, lợi ích nhóm trong các lĩnh vực trọng tâm và nhạy cảm, trong đó có lĩnh vực đấu giá tài sản.

Nhấn mạnh thực tế nêu trên, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nhiệm vụ rà soát, hoàn thiện pháp luật về đấu giá tài sản rất rộng, trong đó, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản chỉ là một phần. Do vậy, không kỳ vọng rằng sửa luật này có thể giải quyết được hết tất cả những tồn tại hiện nay trong lĩnh vực đấu giá tài sản, mà phải tiếp cận dưới góc độ phải sửa đồng bộ luật này và các luật khác. Do đó, cần rà soát các quy định pháp luật có mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập có nguy cơ xảy ra tham nhũng tiêu cực và bảo đảm lành mạnh hóa các quan hệ kinh tế - xã hội.

Cân nhắc duy trì việc miễn đào tạo nghề đấu giá với một số đối tượng

Cơ quan soạn thảo đề nghị bỏ Điều 12 trong Luật hiện hành về các trường hợp được miễn đào tạo nghề đấu giá như quy định hiện hành nhằm đảm bảo tất cả các đối tượng muốn trở thành đấu giá viên đều được trang bị kiến thức chuyên môn, kỹ năng hành nghề phù hợp với tính chất nghề nghiệp đấu giá là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Đồng thời, bổ sung quy định tại Điều 19 về trách nhiệm tham gia bồi dưỡng bắt buộc hàng năm đối với đội ngũ đấu giá viên, góp phần nâng cao chất lượng của đội ngũ đấu giá viên trong hoạt động hành nghề (một số chức danh bổ trợ tư pháp khác đã có quy định về bồi dưỡng bắt buộc hàng năm như luật sư, công chứng, thừa phát lại).

Cùng với đó, bỏ quy định miễn đào tạo nghề đối với các nhóm chức danh vừa nêu với lý do qua tổng kết thì thấy một bộ phận đấu giá viên còn hạn chế về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Băn khoăn với hướng sửa đổi, bổ sung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị, Chính phủ báo cáo thêm nhóm một bộ phận đấu giá viên còn hạn chế trình độ chuyên môn, nghiệp vụ có rơi vào những đối tượng hiện được được miễn đào tạo nghề hay không. Báo cáo tổng kết đưa ra tình trạng như vậy nhưng chưa phân tích cụ thể rơi vào nhóm đối tượng nào, đối tượng mới học nghề lần đầu hay bao gồm cả những đối tượng được miễn đào tạo nghề.

Thống nhất với quan điểm cần tăng cường chất lượng hành nghề đấu giá viên thông qua việc đào tạo kiến thức pháp luật và kỹ năng hành nghề, nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật lưu ý, việc bỏ quy định về một số đối tượng được miễn đào tạo nghề phải có đánh giá thêm, đặc biệt là trong bối cảnh một số địa phương đang thiếu đấu giá viên, để bảo đảm đủ điều kiện hoạt động của các tổ chức đấu giá.

Hơn nữa, nếu xét về tính đồng bộ sẽ thấy, một số luật có quy định về chức danh tư pháp cũng vẫn cho phép thực hiện miễn đào tạo nghề trong một số trường hợp. Cần có cách tiếp cận thống nhất với các chức danh tư pháp, khi chúng ta bỏ trong luật này thì có dự kiến bỏ trong các luật liên quan không? Nếu vẫn giữ việc bỏ quy định về miễn đào tạo thì cần nêu lý do thuyết phục hơn, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị.

Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị cân nhắc tính khả thi, chi phí xã hội và thủ tục hành chính của quy định bắt buộc tất cả đấu giá viên phải tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ hằng năm. Lý do là bởi, việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức… để đáp ứng yêu cầu công việc xuất phát từ nhu cầu của mỗi cá nhân đấu giá viên và yêu cầu của chính tổ chức đấu giá tài sản, trong khi theo quy định để trở thành đấu giá viên và được hành nghề tại tổ chức đấu giá tài sản thì đấu giá viên phải đáp ứng yêu cầu về tốt nghiệp khóa đào tạo nghề đấu giá và phải được cấp chứng chỉ hành nghề đấu giá. Theo Thường trực Ủy ban Kinh tế, cần cân nhắc quy định về bồi dưỡng nghiệp vụ đấu giá tài sản hằng năm chỉ nên mang tính khuyến khích, không nên quy định bắt buộc tại Luật.

Báo Đại biểu nhân dân

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
32 người đang online