ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH: Tham gia ý kiến vào Dự thảo Luật An toàn, vệ sinh lao động

Để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII. Các vị đại biểu Quốc hội trong Đoàn tham gia vào Dự thảo Luật An toàn, vệ sinh lao động. Các ý kiến được tập trung vào các vấn đề sau:  Về một số vấn đề chung: phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; các chính sách của Nhà nước và nguyên tắc đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động; cụ thể hóa các quy định bảo đảm an toàn và sức khỏe người lao động trong quá trình lao động sản xuất, nhất là người lao động trong những lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Đồng thời, bảo vệ sự phát triển ổn định, bền vững của doanh nghiệp thông qua việc tăng cường quyền và trách nhiệm của người sử dụng lao động, người lao động. Đã chú trọng các hoạt động phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong công tác an toàn, vệ sinh lao động; tăng cường cải thiện điều kiện lao động; gắn an toàn, vệ sinh lao động với  bảo vệ môi trường và phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Tiếp tục đổi mới quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động; đẩy mạnh xã hội hóa và phát triển các dịch vụ huấn luyện, kiểm định, tư vấn kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động; đổi mới và nâng cao hiệu quả chính sách bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thông qua các hoạt động phòng ngừa, bảo đảm quyền lợi của người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và chia sẻ gánh nặng với người sử dụng lao động và xã hội.

Dự thảo Luật xây dựng gồm 07 Chương, 94 Điều đã pháp điển hoá các quy định trong hệ thống pháp luật an toàn, vệ sinh lao động hiện hành; kế thừa và phát triển các quy định đã và đang phát huy hiệu lực, hiệu quả trong thực tiễn, sửa đổi, bổ sung các quy định chưa phù hợp và bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật Việt Nam; phù hợp với quy định của Hiến pháp 2013; tuân thủ các thông lệ quốc tế, điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, phê chuẩn, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

          Đối với những vấn đề cụ thể:

1. Về Đối tượng áp dụng Điều 2. Có ý kiến đề nghị tại Khoản 4 đề nghị quy định gọn lại là: “Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam”, không cần “có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp” vì trên thực tế có những người nước ngoài làm việc tại Việt Nam nhưng vì nhiều lý do chưa có giấy phép lao động hoặc chuyên gia của những tổ chức nước ngoài làm việc tại Việt Nam nhưng vẫn rất cần để đối tượng này được áp dụng chế độ bảo hiểm của Luật.

2. Về giải thích từ ngữ, quy định tại Điều 3. Có ý kiến đề nghị tại Khoản 1 đề nghị bổ sung đối tượng là "cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế đóng trên lãnh thổ nước Việt Nam” sau cụm từ “hộ gia đình” sẽ bao quát đầy đủ hơn, hoàn chỉnh lại là: “Người sử dụng lao động là cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình; cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế đóng trên lãnh thổ nước Việt Nam; cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động. Nếu là cá nhân thì phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ”.

3. Về quyền và nghĩa vụ về an toàn, vệ sinh lao động của người lao động; quy định tại Điều 6. Có 01 ý kiến đại biểu cho rằng dự thảo Luật quy định đối tượng áp dụng có bao gồm "người lao động làm việc không có hợp đồng lao động" thì nên quy định quyền và nghĩa vụ của người lao động có hợp đồng lao động; quyền và nghĩa vụ của người lao động không có hợp đồng lao động như nhau để đảm bảo quyền bình đẳng về an toàn, vệ sinh lao động của người lao động.

4. Về bồi dưỡng bằng hiện vật, quy định tại Điều 24. Có ý kiến đề nghị bổ sung tại Khoản 1 đề nghị điều kiện để người lao động được bồi dưỡng bằng hiện vật, cụ thể là: “Người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và có ít nhất 01 yếu tố đó kiểm tra môi trường làm việc vượt quá tiêu chuẩn cho phép được người sử dụng lao động bồi dưỡng bằng hiện vật theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội”.

5. Về điều dưỡng phục hồi sức khỏe, quy định tại Điều 26. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bỏ từ “Khuyến khích”, quy định chặt chẽ hơn là: “Người sử dụng lao động có trách nhiệm tổ chức cho người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và người lao động có sức khoẻ kém được điều dưỡng phục hồi sức khỏe hằng năm”. Như vậy đảm bảo tính bắt buộc đối với người sử dụng lao động.

6. Về phân loại tai nạn lao động và khai báo tai nạn lao động, sự cố an toàn lao động; quy định tại Điều 35. Tại Khoản 1 đề nghị quy định cụ thể, rõ ràng thế nào là “tai nạn lao động nhẹ”, “tai nạn lao động nặng”“tai nạn lao động chết người” để thực hiện thống nhất trên thực tế; ví dụ quy định như sau:“Tai nạn lao động nặng : tai nạn mà người bị tai nạn bị ít nhất một trong những chấn thương được quy định trong danh mục bệnh nặng do BYT ban hành.

Tai nạn lao động chết người: người bị tai nạn chết ngay tại nơi xảy ra tai nạn, chết trên đường đi cấp cứu, trong thời gian cấp cứu, trong thời gian điều trị vết thương, chết do vết thương tái phát.

Tai nạn lao động nhẹ : không thuộc hai trường hợp nêu trên”.

7. Về điều tra tai nạn lao động, sự cố nghiêm trọng; quy định tại Điều 36. Có 01 ý kiến đề nghị tại Khoản 2 nên sửa lại quy định là: “Thanh tra chuyên ngành về an toàn, vệ sinh lao động có trách nhiệm điều tra tai nạn lao động chết người, tai nạn lao động nặng làm bị thương từ 02 người lao động trở lên kể cả khu vực không có quan hệ lao động; điều tra lại tai nạn lao động đã được người sử dụng lao động điều tra nếu có khiếu nại, tố cáo hoặc khi xét thấy cần thiết vì trên thực tế không có bộ phận Thanh tra an toàn, vệ sinh lao động được thành lập độc lập mà tại Bộ Lao động thương binh và  Xã hội có Thanh tra Bộ, tại Sở Lao động thương binh  và Xã hội có Thanh tra sở thực hiện các chức năng nhiệm vụ được giao trong đó có chức năng thanh tra chuyên ngành về an toàn, vệ sinh lao động phù hợp với quy định tại Điều 90 Dự thảo Luật.

8. Về trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quy định tại Điều 39. Có ý kiến đề nghị tại Khoản 4 đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ áp dụng lương tối thiểu vùng hay lương cơ sở vì người bị tai nạn lao động có thể đang làm việc ở doanh nghiệp, hoặc cơ quan Nhà nước. Cụ thể nên quy định mức lương cơ sở cho phù hợp với các quy định tại Điều 49, Điều 50 của dự thảo Luật.

9. Về trường hợp đặc biệt được người sử dụng lao động hỗ trợ đối với người bị tai nạn lao động, quy định tại Điều 40. Đa số đại biểu nhất trí với những quy định tại điều này; tuy nhiên có 01 ý kiến đại biểu đề nghị sửa Điều 40 thành “Những trường hợp được coi là tai nạn lao động và được bồi thường” để đảm bảo quy định được đồng bộ với Bộ Luật Lao động hiện hành, vì tất cả các trường hợp đó đều được coi là tai nạn lao động, được “bồi thường” chứ không phải là “hỗ trợ”.

10. Về An toàn, vệ sinh lao động tại nơi có nhiều người lao động thuộc nhiều người sử dụng lao động cùng làm việc; quy định tại Điều 67. Đề nghị quy định rõ hơn trong trường hợp này cơ quan, tổ chức, cá nhân nào sẽ là người chủ trì, điều hành và cơ chế điều hành cụ thể. Các ý kiến tham gia được Văn phòng tổng hợp, báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội trình tại kỳ họp thứ 9./.

Phòng Công tác đại biểu Quốc hội

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
99 người đang online