13/04/2015 | lượt xem: 4 ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH: Tham gia vào dự án Luật Thú y Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII. Các vị đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia ý vào dự án Luật Thú y. Nội dung các ý kiến đóng góp cụ thể như sau. Một số vấn đề chung: Sau 11 năm thực thi, Pháp lệnh thú y năm 2004 đã bộc lộ một số hạn chế như chưa đáp ứng được yêu cầu của hoạt động quản lý nhà nước về thú y; các quy định chỉ mang tính cụ thể trước mắt, chưa xác lập những quy định pháp luật với tầm nhìn chiến lược cho một giai đoạn phát triển. Bên cạnh đó, việc thiếu các quy định đáp ứng yêu cầu thực tế trong hoạt động thú y như đẩy mạnh xã hội hóa, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính đã làm giảm hiệu lực và hiệu quả của một công cụ pháp lý quan trọng trong hoạt động thú y trong thời kỳ mới. Vì vậy, việc sớm ban hành, triển khai thực hiện Luật Thú y là rất cần thiết, góp phần phát triển một nền chăn nuôi hàng hóa, bảo đảm an toàn thực phẩm thúc đẩy phát triển thương mại động vật, sản phẩm động vật; đẩy mạnh xã hội hóa trong hoạt động thú y và đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính. Xây dựng các quy định dựa trên cơ sở khoa học và kinh nghiệm thực tiễn của hoạt động phòng, chống dịch bệnh động vật; kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y; quản lý thuốc thú y; hành nghề thú y giai đoạn trước. Quy định rõ hơn trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, chính quyền các cấp trong quản lý nhà nước về thú y và tạo thuận lợi cho các đối tượng có hoạt động liên quan đến thú y; Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động thú y nhằm giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước và phù hợp hơn với cơ chế kinh tế thị trường. Phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước ta hiện nay và những năm tới. Dự thảo Luật xây dựng cơ bản chặt chẽ gồm 07 Chương, 116 Điều đã kế thừa và pháp điển hóa các quy định còn phù hợp của Pháp lệnh Thú y và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, đồng thời bổ sung những quy định mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn, luật hóa một số quy định trong các văn bản dưới luật; phù hợp với quy định của Hiến pháp 2013; phù hợp với thông lệ quốc tế và các camkết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, ký kết. Một số ý kiến tham gia cụ thể: 1. Về hệ thống các cơ quan quản lý chuyên ngành, quy định tại Điều 6 Tại Khoản 1 đa số ý kiến đại biểu nhất trí trình bày theo cách thể hiện thứ nhất. Tuy nhiên, cần quy định cấp xã có nhân viên thú y như một viên chức thú y để tổ chức và thực hiện công tác tiêm phòng, giám sát dịch bệnh, điều tra, quản lý đàn vật nuôi ở cơ sở được tốt hơn. Đồng thời đề nghị bổ sung quy định về chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với thú y viên cấp xã để lực lượng này yên tâm công tác. Đây là lực lượng có vai trò rất quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn xã và phải làm việc trong môi trường nguy hiểm khi có dịch bệnh xảy ra. Có ý kiến đại biểu khác cho rằng nên theo cách thể hiện thứ hai vì cần quy định rõ “Trạm thuộc Chi cục có chức năng quản lý chuyên ngành về thú ý đặt tại huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh”, từ đó sẽ có nhân viên thú y cấp xã phường là người giám sát và phát hiện sớm ổ dịch. 2. Về công bố dịch bệnh động vật trên cạn, quy định tại Điều 25 Đa số đại biểu thống nhất nên phân cấp thẩm quyền công bố dịch động vật trên cạn ở địa phương đến Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện. Có ý kiến đại biểu khác cho rằng về thẩm quyền công bố dịch phải giao cho chính quyền cấp tỉnh, bởi nếu giao cho cấp huyện thì hiện tại xét về điều kiện vật chất, thiết bị và nhân lực thì cấp huyện không đáp ứng được. Thêm vào đó đối với các vùng giáp ranh giữa các huyện thì cũng khó khăn trong công bố dịch. Đồng thời cần duy trì Trạm kiểm dịch đầu mối giao thông và để trạm này hoạt động có hiệu quả thì phải có lực lượng cảnh sát giao thông thường trực tại trạm, bởi đây là lực lượng có thẩm quyền dừng các phương tiện giao thông. Tuy nhiên, nhiều đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nên nghiên cứu kỹ quy định về điều kiện công bố dịch bệnh động vật tại điểm b Khoản 2 phải “Có kết luận chẩn đoán tác nhân gây bệnh của cơ quan có thẩm quyền chẩn đoán xét nghiệm bệnh động vật”. Điều này sẽ gây không ít khó khăn, do có một số loại bệnh mới phát hiện yêu cầu cần nhiều thời gian để chẩn đoán tác nhân gây bệnh, từ đó dẫn đến thiệt hại lớn trong quá trình chờ đợi công bố dịch. 3. Về yêu cầu đối với giết mổ động vật để kinh doanh; quy định tại Điều 64 Có ý kiến cho rằng dự thảo Luật nên quy định rõ phải giết mổ động vật tại cơ sở giết mổ tập trung và không cho phép tồn tại các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Việc giết mổ động vật tại cơ sở giết mổ tập trung sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác kiểm tra, giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm; đồng thời tránh được tình trạng tồn tại kéo dài các cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị hiện nay vẫn nên cho phép tồn tại song song cả cơ sở giết mổ tập trung và cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Thời gian tới, việc sớm xóa bỏ các cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ là điều rất cần thiết, nhưng phải có lộ trình thực hiện để tránh xáo trộn, diễn biến xấu không cần thiết. Một số ý kiến khác: Những quy định về người tham gia giết mổ, sơ chế, chế biến sản phẩm động vật cần bổ sung điều kiện những người này phải được cơ quan y tế tuyến huyện trở lên xác nhận đủ điều kiện sức khỏe và không mang mầm bệnh truyền nhiễm; quy định cụ thể Giấy chứng nhận sức khỏe có giá trị 06 tháng. Có đại biểu cho rằng hiện nay, việc buôn bán và sử dụng thuốc thú y, đặc biệt trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản rất phức tạp. Chính vì vậy, cần quy định thật rõ, cụ thể đối với chính quyền cấp cơ sở trong việc quản lý các cơ sở buôn bán và các cơ sở, cá nhân sử dụng thuốc thú y trong sản xuất chăn nuôi. Về vấn đề thành lập hội đồng thú y, một số đại biểu đề nghị xem xét và xác định rõ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của tổ chức này, tránh chồng chéo với các hoạt động tổ chức liên quan hiện nay… Các ý kiến được Văn phòng tổng hợp báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội trình tại kỳ họp thứ 9 tới./. Phòng Công tác đại biểu Quốc hội
Hội nghị lấy ý kiến xây dựng các Luật: Phòng không nhân dân; Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Địa chất và Khoáng sản
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi): Phải giải quyết được nhu cầu trước mắt và an sinh xã hội lâu dài
Đưa hoạt động giải trình vào nền nếp, thể hiện rõ nét tinh thần đổi mới của Quốc hội trong hoạt động giám sát