06/04/2015 | lượt xem: 1 ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH: Tham gia vào dự án Luật Kiểm toán Nhà nước Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội; Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Đoàn trong năm 2015; chuẩn bị cho kỳ họp thứ 9, các vị đại biểu Quốc hội trong Đoàn tham gia vào dự án Luật Kiểm toán Nhà nước như sau: 1. Về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, (Từ Điều 1 và Điều 2). Về vấn đề này, đa số ý kiến cho rằng, quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng như Dự thảo luật là phù hợp, bảo đảm tính bao quát, tương thích với nội dung được quy định trong các điều, khoản của Luật; đồng thời cũng bảo đảm tính thống nhất với các văn bản pháp luật liên quan. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo giữ nội dung quy định tại 2 điều nêu trên như Dự thảo luật. 2. Về đối tượng kiểm toán và kiểm toán nhà nước. Có 01 ý kiến đề nghị, về nội dung quy định tại khoản 1 Điều 4 của Dự thảo luật cần làm rõ hơn, tránh hiểu nhầm giữa chức năng và hành vi, phương thức, cách thức để thực hiện chức năng của KTNN. Đề nghị, cần làm rõ hơn khái niệm tài chính công, tài sản công tại Điều 4 của Dự thảo luật; có ý kiến đề nghị bỏ khái niệm tài chính công, tài sản công vì đã được quy định ở các luật chuyên ngành. 3. Về chuẩn mực kiểm toán (Điều 6). Đa số ý kiến cho rằng, chuẩn mực kiểm toán là những quy định, yêu cầu, nguyên tắc, thủ tục... bắt buộc phải thực hiện không những trong nội bộ KTNN mà gồm cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động kiểm toán. Vì vậy, để bảo đảm tính pháp lý và tính độc lập của KTNN, đề nghị cho kế thừa quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 8 của Luật hiện hành. 4. Về giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán (Điều 7). Có 01 ý kiến cho rằng, tính pháp lý của báo cáo kiểm toán (BCKT) hiện nay không cao, các kiến nghị chỉ mang tính khuyến cáo, tính bắt buộc chưa cao. Một số đại biểu đề nghị cân nhắc coi BCKT là một quyết định hành chính, tương tự như bản án của Toà án, đồng thời được coi là căn cứ để khiếu nại và giải quyết khiếu nại, các BCKT quy định tại Điều 51 của Dự thảo luật chưa có tiêu chí phân loại rõ ràng, khó khăn trong tổ chức thực hiện. Đa số đại biểu nhất trí là chỉ có 01 loại BCKT của cuộc kiểm toán do Tổng KTNN hoặc người được Tổng KTNN ủy quyền ký tên, đóng dấu; BCKT của KTNN có giá trị bắt buộc thực hiện đối với đơn vị được kiểm toán về các sai phạm trong việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công và là căn cứ để thực hiện quyền khiếu nại, giải quyết khiếu nại; đồng thời Tổng KTNN chịu trách nhiệm về tính đúng đắn, trung thực của BCKT. Và BCKT của KTNN mang tính chất tư vấn để các đơn vị được kiểm toán thực hiện biện pháp khắc phục yếu kém trong hoạt động và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. 5. Về nhiệm kỳ của Tổng KTNN Điều 12. Về nhiệm kỳ của Tổng KTNN (khoản 3 Điều 12). Đa số ý kiến đề nghị quy định nhiệm kỳ Tổng KTNN là 5 năm phù hợp với nhiệm kỳ của Quốc hội; có 01 ý kiến đề nghị nên quy định là 2 nhiệm kỳ liên tục và không quá 2 nhiệm kỳ. 6. Phó Tổng KTNN: Về nhiệm kỳ của Phó Tổng KTNN (Khoản 3 Điều 15). Đa số ý kiến nhất trí như bổ sung và thể hiện “Nhiệm kỳ của Phó Tổng KTNN là năm năm tính từ ngày bổ nhiệm”tại khoản 3 trong Dự thảo luật, bảo đảm tính thống nhất trong việc bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo trong hệ thống cơ quan nhà nước. 7. Về nội dung kiểm toán ( Điều 36). Đa số ý kiến nhất trí cho rằng, một số quy định của Luật hiện hành vẫn bảo đảm tính hợp lý, cần được tiếp tục áp dụng, như về nội dung kiểm toán quy định tại Điều 36. 8. Về thời hạn kiểm toán (Điều 37). Đa số ý kiến cho rằng, việc quy định thời hạn kiểm toán là cần thiết để bảo đảm tính minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi, chủ động cho các đơn vị được kiểm toán. Nhất trí bổ sung quy định về thời hạn kiểm toán. Tuy nhiên, thực tế hoạt động kiểm toán cho thấy, quy mô và thời gian thực hiện các cuộc kiểm toán rất khác nhau, trong trường hợp cần thiết, Tổng KTNN được quyền gia hạn trong một thời gian nhất định, theo đó, chỉnh lý lại nội dung quy định tại khoản 2 Điều 37 của Dự thảo luật cho phù hợp thực tiễn. 9. Về kinh phí hoạt động và cơ sở vật chất của KTNN (Điều 62). Đa số ý kiến cho rằng, không nên quy định trong luật về kinh phí hoạt động do KTNN dự toán trình Quốc hội quyết định; cân nhắc quy định trường hợp Chính phủ và KTNN không thống nhất về dự toán thì Tổng KTNN kiến nghị Quốc hội xem xét, quyết định (Điều 62 của Dự thảo luật). 10. Về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động KTNN (Điều 71). Đa số ý kiến nhất trí, quy định từ Điều 71 đến Điều 74 của Dự thảo luật là quá cứng nhắc và không hợp lý vì không thể quy định trách nhiệm Chính phủ, các cơ quan nhà nước phải sử dụng kết quả kiểm toán trong quá trình điều hành hoạt động của mình. Một số ý kiến cho rằng, quy định trách nhiệm của cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án sử dụng báo cáo của cơ quan kiểm toán làm căn cứ để xử lý và phải thông báo kết quả giải quyết kiến nghị của KTNN chuyển sang khi có dấu hiệu tội phạm là chưa phù hợp, vì căn cứ vào kết quả của KTNN chưa đủ để cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án thực hiện xử lý vi phạm. 11. Về khiếu nại và giải quyết khiếu nại (Điều 74). Một số ý kiến cho rằng, quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại chưa bao quát, cụ thể, thống nhất với Luật khiếu nại; nếu coi đây là lĩnh vực đặc thù thì cần quy định cụ thể về thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại của các đơn vị được kiểm toán theo từng cấp. 12. Về một số nội dung khác. Một số ý kiến đề nghị chỉnh sửa các điều khoản cụ thể khác. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo nghiêm túc tiếp thu đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, thực hiện rà soát, nghiên cứu bổ sung về nội dung và kỹ thuật văn bản, bảo đảm rõ ràng, chính xác, chặt chẽ và thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật liên quan đến Dự thảo luật. Các ý kiến tham gia, được Văn phòng tổng hợp, báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội trình tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII./. Phòng Công tác Đại biểu Quốc hội
Hội nghị lấy ý kiến xây dựng các Luật: Phòng không nhân dân; Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Địa chất và Khoáng sản
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi): Phải giải quyết được nhu cầu trước mắt và an sinh xã hội lâu dài
Đưa hoạt động giải trình vào nền nếp, thể hiện rõ nét tinh thần đổi mới của Quốc hội trong hoạt động giám sát