ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH: Tham gia dự án Luật nghĩa vụ quân sự( sửa đổi)

Để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 9 sắp tới; Đoàn đại biểu  Quốc hội tổ chức lấy ý kiến các vị đại biểu Quốc hội trong Đoàn về  Luật nghĩa vụ quân sự( sửa đổi). Các ý kiến tập trung vào các vấn đề sau:

1. Về phạm vi, đối tượng áp dụng của dự án Luật. Đa số ý kiến nhất trí với quy định về phạm vi, đối tượng điều chỉnh (Điều 1, Điều 2) trong Dự thảo Luật, tuy nhiên quy định như Điều 2 của Dự thảo có thể hiểu là trường hợp điều ước quốc tế quy định khác về đối tượng áp dụng của Luật Nghĩa vụ quân sự thì áp dụng điều ước quốc tế đó. Đề nghị là Ban soạn thảo cân nhắc để thống nhất cách hiểu, tránh hiểu khác nhau và dẫn đến áp dụng khác nhau.

 2. Về nghĩa vụ quân sự (Điều 4). Một số ý kiến cho rằng, nội dung giải thích thuật ngữ Nghĩa vụ quân sự tại Khoản 1 Điều 4 mới ở mức độ định danh mà chưa định tính, ngôn ngữ mang tính nghị quyết. Đề nghị Ban soạn thảo giải thích lại thuật ngữ này theo hướng chỉ rõ nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc của công dân và gồm những nghĩa vụ cụ thể gì…; đồng thời chuyển khoản này về Điều 3 (Giải thích từ ngữ) cho phù hợp hơn.

3. Về công dân nữ phục vụ tại ngũ (Điều 6). Các ý kiến nhất trí với quy định như dự thảo Luật, tuy nhiên có 01 ý kiến đề nghị cần có quy định rõ ràng, cụ thể hơn về điều kiện đăng ký nghĩa vụ quân sự và phục vụ tại ngũ đối với công dân nữ.

4. Về quyền và nghĩa vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ (Điều 9). Đa số ý kiến nhất trí với quy định như dự thảo Luật và nhấn mạnh, việc hạ sĩ quan, binh sĩ và Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, với Đảng và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không chỉ là nghĩa vụ mà còn là nguyên tắc bất di bất dịch.

5. Về giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và kỹ năng quân sự (Điều 30). Đa số ý kiến nhất trí với quy định như dự thảo Luật. Có 01 ý kiến đề nghị Điều này vì công dân đã được học kiến thức quốc phòng và kỹ năng quân sự trong các cấp học theo quy định của Luật giáo dục quốc phòng và an ninh theo chương trình học, nên không cần thiết phải quy định thêm.

6. Về độ tuổi gọi nhập ngũ (Điều 32). Đa số ý kiến nhất trí như quy định trong dự thảo Luật. Có một số ý kiến nhất trí đề nghị quy định độ tuổi gọi nhập ngũ thống nhất từ 18 đến hết 25 mà không quy định kéo dài độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi đối với công dân học chương trình đào tạo bậc đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ vì: độ tuổi 25-27 là độ tuổi ổn định đời sống gia đình, làm việc và phát triển sản xuất của phần lớn các nam công dân (đặc biệt là sau khi tốt nghiệp đại học) nên việc gọi nhập ngũ các đối tượng này sẽ có ảnh hưởng không nhỏ.

7. Về công nhận binh sĩ tại ngũ (Điều 33). Đa số ý kiến tán thành với quy định như dự thảo Luật. Có 01 ý kiến đề nghị quy định công dân đang học tập tại các nhà trường quân đội từ 18 tuổi được công nhận là binh sĩ tại ngũ trừ các học viên hệ dân sự.

8. Về khám sức khỏe cho công dân gọi nhập ngũ (Điều 40). Có  một số ý kiến đề nghị xem xét sự cần thiết của việc sử dụng cơ chế hội đồng đối với Hội đồng khám sức khỏe vì cơ chế này không phải là cơ chế có tính ổn định cao như cơ quan hành chính nhà nước, không xác định rõ được trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc đảm bảo công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng khám tuyển và ngăn ngừa tiêu cực trong khám sức khỏe; có thể xem xét giao trực tiếp Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo Phòng Y tế cùng cấp phối hợp với cơ quan quân sự, Bệnh viện cùng cấp thực hiện khám sức khỏe cho công dân thuộc diện gọi nhập ngũ.

9. Về nhiệm vụ, quyền hạn của các Bộ, cơ quan ngang bộ (Điều 56). Đa số ý kiến tán thành với quy định như dự thảo Luật. Có 01 ý kiến đề nghị bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Công an (riêng một Điều hoặc chung với nhóm nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Quốc phòng) vì Bộ Công an cũng có công dân thực hiện nghĩa vụ có thời hạn. Các ý kiến tham của các vị đại biểu Quốc hội trong Đoàn, Văn phòng sẽ tổng hợp, đầy đủ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội để trình tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII.

Phòng Công tác Đại biểu Quốc hội

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
111 người đang online