26/10/2023 | lượt xem: 1 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đại Thắng phát biểu tham gia ý kiến vào dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) ĐBQH Nguyễn Đại Thắng phát biểu tham gia ý kiến tại Hội trường vào dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) Sáng ngày 26/10/2023, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Tiếp tục chương trình kỳ họp, sáng ngày 26/10, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24-11-2017 của Quốc hội về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh sẽ trình bày báo cáo thẩm tra về nội dung này. Sau khi Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Quá trình thảo luận, cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Đại biểu Nguyễn Đại Thắng, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên khóa XV đã tham gia ý kiến vào dự án Luật. Đồng chí nhận thấy việc sửa đổi Luật lần này đã khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Tài nguyên nước hiện hành, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật liên, đáp ứng nhu cầu hội nhập sâu rộng của đất nước; đồng thời, hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, bảo đảm minh bạch để có khả năng khai thác tối đa nguồn tài nguyên nước, phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả; bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia; chú trọng phòng ngừa, kiểm soát và phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm; phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước và quản lý công trình khai thác nước ở cả trung ương và địa phương, khắc phục các chồng chéo, xung đột pháp luật. Hướng tới quản lý tài nguyên nước trên nền tảng công nghệ số, thống nhất về cơ sở dữ liệu, giảm thiểu nhân lực quản lý, vận hành, chi phí đầu tư của nhà nước. Để hoàn thiện hơn nữa dự thảo luật, đồng chí Nguyễn Đại Thắng tham gia góp ý một số nội dung cụ thể như sau: Đại biểu đề nghị định nghĩa lại việc “kênh, rạch, hồ, ao, đầm, phá” là nguồn nước được quy định tại khoản 2 Điều 2 dự thảo Luật; do: (1) kênh, rạch, hồ, ao, đầm, phá là các công trình, vật thể chứa nước, không phải là nguồn nước; (2) để tránh chồng chéo trong việc quy định bảo vệ nguồn nước của dự thảo Luật với các quy định hiện hành về bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều của Luật Thủy lợi và Luật Đê điều hiện hành vì tại khoản 4 Điều 2 Luật Thủy lợi quy định: “Thủy lợi nội đồng là công trình kênh, mương, rạch, đường ống dẫn nước tưới, tiêu nước trong phạm vi từ điểm giao nhận sản phẩm, dịch vụ thủy lợi đến khu đất canh tác”. Về việc xây dựng, công bố kịch bản nguồn nước quy định tại khoản 4 Điều 35: “Hằng năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng và công bố kịch bản nguồn nước trên các lưu vực sông. Căn cứ vào kịch bản nguồn nước được công bố, diễn biến nguồn nước trên các lưu vực sông, Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định việc cập nhập kịch bản nguồn nước”; đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, xem xét, đánh giá việc xây dựng kịch bản nguồn nước hằng năm liệu có cần thiết, phù hợp và hiệu quả không? do hiện nay công tác dự báo khí tượng thuỷ văn, nguồn nước đang được làm khá tốt; mặt khác, theo quy định tại khoản 3 điều 35 thì kịch bản nguồn nước được xây dựng trong đó có một nội dung chính là: “lượng nước tích trữ tại các hồ chứa theo các thời kỳ trong năm”, như vậy có bị trùng lặp khi xây dựng kịch bản nguồn nước không?. Về phòng, chống sạt, lở lòng, bờ, bãi sông, hồ quy định tại Điều 66, việc khai thác cát sỏi và các khoáng sản khác trong lòng sông đã được chỉ ra là nguyên nhân chính hạ thấp lòng dẫn ở các sông miền Bắc và gây sạt lở bờ sông vùng đồng bằng sông Cửu Long; gây sạt lở bờ sông, nhiều điểm sạt lở ăn sâu vào hàng chục mét và kéo dài hàng trăm mét, có thể gây sạt lở nghiêm trọng, cuốn theo cây cối, hoa màu của người dân và các công trình lấy nước, bảo vệ đê điều. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các công trình hạ tầng, giao thông không ngừng được quan tâm đầu tư, dẫn đến việc gia tăng cung ứng các loại vật liệu xây dựng và gia tăng tình trạng khai thác cát sỏi trong lòng sông, suối. Do vậy, tại khoản 2 Điều này đại biểu đề nghị bỏ cụm từ: “có nguy cơ gây tác động xấu đến sự ổn định lòng, bờ, bãi sông, hồ”, do cụm từ “có nguy cơ” chưa rõ nghĩa và khó xác định được khi nào là có nguy cơ; thực tế có những hoạt động chưa được đánh giá tác động và khi đi vào triển khai thực hiện rồi mới phát sinh, gây ra nhiều tác động xấu, gây mất ổn định lòng, bờ, bãi sông, hồ. Việc sửa đổi khoản 2 Điều 66 dự thảo Luật như vậy nhằm đảm bảo tất cả các hoạt động quy định tại khoản 1 Điều này phải được thực hiện đánh giá tác động và được cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước có thẩm quyền chấp thuận. Có như vậy, chúng ta mới quản lý tốt và giảm tình trạng khai thác trái phép cát, sỏi ở sông, suối hiện nay./. Thanh Thư- Phòng CTQH
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV tại huyện Phù Cừ và Kim Động
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV tại huyện Kim Động và Ân Thi
Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp xúc cử tri thành phố Hưng Yên; thăm, tặng quà gia đình người có công với cách mạng và hộ nghèo tại thành phố Hưng Yên