Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đại Thắng phát biểu tham gia ý kiến vào dự án Luật Căn cước

 

ĐBQH Nguyễn Đại Thắng, Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên

Sáng ngày 25/10/2023, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Căn cước, đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên thảo luận.

Theo chương trình kỳ họp, sáng ngày 25/10, Quốc hội tiến hành làm việc 02 nội dung: (1) Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn về các vấn đề liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm và tiến hành lấy phiếu tín nhiệm bằng bỏ phiếu kín; (2) thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Căn cước; Đồng chí Nguyễn Đại Thắng, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, đại biểu Quốc hội tỉnh khóa XV đã tham gia ý kiến vào dự án Luật.

Bày tỏ sự nhất trí cao với nội dung dự thảo Luật cũng như báo cáo tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ, Bộ Công an và các cơ quan liên quan đã kịp thời hoàn thiện dự án Luật để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này, đại biểu cho rằng dự thảo luật đã quy định nhiều nội dung nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về căn cước, đáp ứng các yêu cầu, mục tiêu về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân, đồng thời có ý nghĩa phát huy giá trị của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, giá trị và tiện ích của thẻ căn cước, căn cước điện tử trong phát triển kinh tế - xã hội; việc chuyển đổi số ở nước ta theo mục tiêu của Đề án 06 của Chính phủ đang triển khai thực hiện.

Đồng thuận cao với nhiều nội dung quy định của dự thảo Luật như: việc đổi tên thành Luật Căn cước như dự thảo Chính phủ trình, sẽ bảo đảm thể hiện đầy đủ chính sách sửa đổi, bổ sung của dự án Luật, thể hiện đúng nội hàm của công tác quản lý căn cước là nhằm mục đích định danh, xác định rõ danh tính của từng con người cụ thể, phân biệt cá nhân này với cá nhân khác cũng như đáp ứng yêu cầu quản lý căn cước ở nước ta trong giai đoạn hiện nay là phải quản lý đối với toàn bộ xã hội, mọi người dân sinh sống tại Việt Nam; bảo đảm các quyền con người, quyền công dân theo quy định của pháp luật; quy định nguyên tắc việc thu thập thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói được thực hiện trên cơ sở được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp hoặc lưu trữ thông tin có sẵn trong quá trình giải quyết vụ việc hình sự, hành chính có trưng cầu giám định thông tin của đối tượng phục vụ cho công tác phòng, chống tội phạm; các hành vi bị nghiêm cấm như không thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước theo quy định tại khoản 2 Điều 19 của Luật này; sản xuất, đưa vào sử dụng công cụ, phương tiện, phần mềm hoặc có hành vi khác gây cản trở, rối loạn hoạt động của cơ sở hạ tầng thông tin Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, hệ thống định danh và xác thực điện tử; khai thác, chia sẻ, mua, bán, trao đổi, chiếm đoạt, sử dụng trái phép thông tin dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, hệ thống định danh và xác thực điện tử…

Bên cạnh đó, trên cơ sở thực tiễn, đại biểu Nguyễn Đại Thắng, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, tham gia góp ý một số nội dung để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, cụ thể:

Về quy định tích hợp thông tin vào căn cước, tài khoản định danh điện tử; dự thảo luật bổ sung quy định về việc tích hợp một số thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của công dân, ngoài thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước vào thẻ căn cước công dân; thẻ căn cước công dân có giá trị sử dụng để cung cấp thông tin về công dân và tương đương việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp có thông tin đã được in hoặc tích hợp trong thẻ căn cước công dân để giúp giảm giấy tờ cho công dân, tạo thuận lợi cho công dân trong thực hiện giao dịch dân sự, thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính như: thông tin về thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn…; tuy nhiên hiện nay nhiều công dân vẫn sử dụng song song 02 hình thức là thẻ định danh điện tử và giấy tờ cá nhân, việc này có thể dẫn đến tình trạng thông tin trên thẻ căn cước không phản ánh đúng tình trạng pháp lý của giấy tờ gốc. Để khắc phục việc này, đại biểu đề nghị cần có những giải pháp để việc tích hợp, kết nối đầy đủ, kịp thời và khẳng định tính pháp lý các thông tin vào thẻ căn cước và tài khoản định danh điện tử để phục vụ người dân thuận tiện trong thực hiện các giao dịch hành chính và đáp ứng việc chuyển đổi số, chuẩn hóa số liệu, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin cho nhân dân.

Đối với quy định tại khoản 6 Điều 10 dự thảo Luật: “Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội được khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”; các thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư rất rộng, trong đó có những thông tin liên quan đến bí mật cá nhân và đời sống riêng tư của công dân; mặt khác, các cơ quan, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ khác nhau dẫn đến phạm vi, mục đích khai thác cũng khác nhau. Do đó, để tránh việc lạm dụng, đánh cắp thông tin cũng như bảo vệ bí mật cá nhân của công dân, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu cần có những quy định cụ thể hơn về phạm vi khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được phép khai thác và bảo đảm nguyên tắc, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị và giao Chính phủ quy định chi tiết thi hành nội dung này.

Tại khoản 2 Điều 29 dự thảo Luật quy định các trường hợp bị giữ thẻ căn cước, đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm đối tượng: “những người bị áp dụng hình phạt quản chế theo quy định của Bộ luật Hình sự hoặc người bị bắt theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự”, vì những đối tượng này cũng bị hạn chế quyền tự do đi lại và trong dự thảo Luật cần quy định cụ thể trình tự, thủ tục thu hồi, giữ thẻ căn cước hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết thi hành nội dung này./.

Thanh Thư- Phòng CTQH

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
57 người đang online