Đại biểu Nguyễn Đại Thắng, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên khóa XV phát biểu tham gia ý kiến vào dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)

ĐBQH Nguyễn Đại Thắng, Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên

Theo chương trình kỳ họp, chiều ngày 22/11, Quốc hội tiến hành thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu; Đại biểu Nguyễn Đại Thắng, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tham gia ý kiến vào dự án Luật.

Đại biểu bày tỏ sự nhất trí cao với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, sau hơn 08 năm thi hành đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho sự phát triển của nền tư pháp nước nhà. Tuy nhiên, từ thực tiễn thi hành Luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, đặc biệt những vấn đề về cơ cấu tổ chức bộ máy; về thẩm quyền của Tòa án; về Thẩm phán, Hội thẩm; về chế độ tiền lương, chính sách đãi ngộ đối với Thẩm phán và cán bộ, công chức Tòa án; về các điều kiện bảo đảm hoạt động của Tòa án chưa đáp ứng được yêu cầu của cải cách tư pháp trong tình hình mới; đặt ra cấp thiết phải sửa đổi để đảm bảo yêu cầu thực tiễn đặt ra. Việc sửa đổi Luật lần này nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp, về Tòa án, đặc biệt là Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn hiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới.

Đồng thuận cao với nhiều nội dung sửa đổi trong dự thảo Luật như: việc không tiến hành điều tra, thanh tra đối với hoạt động xét xử, giải quyết các vụ việc đang trong quá trình tố tụng, trừ trường hợp có căn cứ rõ ràng xác định Thẩm phán, Hội thẩm vi phạm pháp luật hình sự trong giải quyết vụ việc, quy định tại khoản 3 Điều 11 và bảo đảm cho Tòa án giải quyết vụ án đúng thời hạn luật định, bảo đảm cho Thẩm phán toàn tâm, toàn ý, dành toàn bộ thời gian cho việc xét xử khi quá trình giải quyết vụ án đang diễn ra bình thường; việc đổi mới tổ chức Toà án nhân dân phúc thẩm thay cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân sơ thẩm thay cho Tòa án nhân dân cấp huyện được quy định tại mục 3, mục 4 chương IV, từ Điều 55 đến Điều 61 của dự thảo Luật (sửa đổi). Đại biểu cho rằng việc đổi mới trước mắt có thể phát sinh chi phí do phải điều chỉnh tên gọi, thay đổi con dấu nhưng sẽ mang lại lợi ích lâu dài, vì sự phát triển của hệ thống Tòa án và sự thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình cải cách tư pháp theo Nghị quyết của Đảng đề ra. Sẽ là bước đi đầu tiên trong tiến trình đổi mới tổ chức Tòa án theo thẩm quyền xét xử, hình thành tư duy về Tòa án được tổ chức độc lập theo thẩm quyền xét xử chứ không theo cấp hành chính như hiện nay; làm cơ sở để có những bước đổi mới tiếp theo về sau này; bảo đảm tốt hơn việc độc lập xét xử và khẳng định địa vị pháp lý của Toà án trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Về điều chỉnh nhiệm vụ của Tòa án trong việc thu thập chứng cứ và chứng minh trong vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự, đại biểu bày tỏ sự tán thành cao với việc sửa đổi quy định tại Điều 15 của dự thảo luật. Việc quy định rõ trong dự thảo Luật sửa đổi việc Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ là phù hợp với yêu cầu của công tác cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay. Vì Tòa án thu thập chứng cứ rồi sau đó xét xử theo chứng cứ tự mình thu thập sẽ không khách quan; mặt khác, Tòa án sẽ có tâm lý không coi trọng chứng cứ do các bên cung cấp, từ đó có thể đánh giá thiếu đầy đủ các chứng cứ do các bên cung cấp. Việc điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn thu thập tài liệu, chứng cứ của Tòa án nhằm bảo đảm thực hiện theo hướng công tâm, khách quan, để Tòa án luôn giữ vai trò là trọng tài, nhân danh Nhà nước phán xử trên cơ sở chứng cứ do các bên đưa ra. Mặt khác, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định: trường hợp nếu đương sự đã áp dụng các biện pháp cần thiết để thu thập tài liệu, chứng cứ mà vẫn không thể thu thập được thì có thể đề nghị và Tòa án sẽ hỗ trợ tất cả các đương sự thu thập tài liệu, chứng cứ bằng việc ban hành quyết định yêu cầu tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu chứng cứ cho đương sự, mà không chỉ giới hạn đương sự là “người yếu thế” và bổ sung quy định, chế tài đối với tổ chức, cá nhân không cung cấp tài liệu, chứng cứ khi có yêu cầu./.

Thanh Thư- Phòng CTQH

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
79 người đang online