01/01/2023 | lượt xem: 1 CHƯƠNG TRÌNH HOẠT ĐỘNG CỦA ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH HƯNG YÊN NĂM 2023 A. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM I. Công tác xây dựng pháp luật 1. Tổ chức các hội nghị, hội thảo để lấy ý kiến tham gia vào các dự án luật sẽ được Quốc hội khóa XV thông qua và cho ý kiến tại kỳ họp thứ Năm, thứ Sáu và kỳ họp bất thường (nếu có). Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn liên quan, các cộng tác viên, chuyên gia để lấy ý kiến góp ý vào các dự án luật, dự thảo Nghị quyết và các nội dung liên quan khác cần lấy ý kiến; tăng cường khảo sát tình hình thực tế việc thi hành luật, nhất là các dự án luật, dự thảo Nghị quyết được cử tri quan tâm và có phạm vi tác động lớn đến nhiều đối tượng điều chỉnh. 2. Từng vị ĐBQH tỉnh chủ động nghiên cứu các dự án luật, các dự thảo Nghị quyết liên quan đến lĩnh vực, ngành của mình đang công tác hoặc được đào tạo; tham khảo ý kiến chuyên gia về những vấn đề lớn, phức tạp, cần có sự nhìn nhận, đánh giá nhiều chiều để làm cơ sở tham gia thảo luận, góp ý vào các dự án luật. II. Hoạt động giám sát, khảo sát 1. Tổ chức giám sát theo yêu cầu chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại địa phương. 2. Giám sát, khảo sát theo chương trình của Đoàn ĐBQH tỉnh Thực hiện giám sát, khảo sát tình hình thực hiện pháp luật và Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; giám sát việc giải quyết ý kiến kiến nghị của cử tri; đơn thư khiếu nại, tố cáo một số vụ việc kéo dài, bức xúc trong nhân dân,... kịp thời nắm bắt những vấn đề bất cập, khó khăn, vướng mắc để kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền. 3. Phối hợp, tham gia các Đoàn giám sát - Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội khi được mời và khi Đoàn về giám sát tại tỉnh. - Giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh khi được mời. III. Về công tác dân nguyện 1. Tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp thứ Năm, thứ Sáu - Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân nguyện. - Phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh và các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan trong việc triển khai tổ chức tiếp xúc cử tri; bảo đảm các điều kiện để đại biểu Quốc hội trong Đoàn tiếp xúc cử tri với các hình thức phù hợp theo quy định tại Nghị quyết liên tịch số 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 27/9/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội. - Tiếp tục đổi mới hình thức và nâng cao chất lượng tiếp xúc cử tri; xét thấy cần thiết có thể tổ chức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực tập trung vào những vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm. Dành thời gian cho việc gặp gỡ, tiếp xúc với cá nhân, nhóm cử tri; tạo điều kiện tốt nhất để cử tri là người lao động trực tiếp được tham gia các buổi tiếp xúc với ĐBQH tỉnh. Tổng hợp, phản ánh đầy đủ, chính xác, trung thực những ý kiến, kiến nghị của cử tri chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết và thông báo lại với cử tri theo quy định. - Trước kỳ họp Quốc hội giữa năm và cuối năm, căn cứ tình hình thực tiễn tại địa phương, Đoàn ĐBQH tỉnh làm việc với UBND tỉnh và một số cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan để ĐBQH tỉnh nắm bắt tình hình phát triển kinh tế - xã hội, thực thi chính sách, pháp luật ở địa phương, từ đó nắm bắt được những bất cập, vướng mắc trong thực hiện chính sách pháp luật làm cơ sở cho việc thảo luận, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước tại kỳ họp. - Phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh theo dõi, đôn đốc và giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh và các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương. 2. Tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý, đôn đốc, giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân - ĐBQH tỉnh công tác tại địa phương thực hiện tiếp công dân theo kế hoạch của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tại trụ sở tiếp công dân của tỉnh. - Tiếp công dân tại nơi công tác và HĐND, UBND cấp huyện theo đề nghị của công dân (nếu xét thấy cần thiết). - Thực hiện việc tiếp nhận, phân loại, xác minh, xử lý đơn thư, kiến nghị, khiếu nại tố cáo của công dân theo quy định của pháp luật; đảm bảo đơn thư, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Đoàn ĐBQH tỉnh được xem xét, chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật. - Theo dõi, đôn đốc, giám sát việc giải quyết đơn thư, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân theo quy định. IV. Tham gia các hoạt động của Quốc hội 1. Tham gia các kỳ họp Quốc hội - Các vị ĐBQH trong Đoàn tham gia đầy đủ, thực hiện nghiêm túc nội quy kỳ họp Quốc hội, chủ động nghiên cứu các dự thảo Luật, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sẽ thông qua, cho ý kiến tại kỳ họp; nghiên cứu để nắm rõ tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của địa phương để tham gia ý kiến phát biểu trong các phiên thảo luận, chất vấn tại kỳ họp. - Nâng cao tinh thần trách nhiệm trong hoạt động chất vấn, bảo đảm nội dung chất vấn đúng trọng tâm, đi thẳng vào vấn đề; tích cực tranh luận những vấn đề đã được trả lời nhưng chưa thỏa đáng; thể hiện chính kiến và biểu quyết thông các Luật, Nghị quyết của Quốc hội và các vấn đề xin ý kiến của ĐBQH. 2. Tham gia hoạt động do các cơ quan của Quốc hội tổ chức - ĐBQH là thành viên các Ủy ban của Quốc hội thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của các Ủy ban. - Chủ động nghiên cứu, giám sát văn bản quy phạm pháp luật, việc thi hành pháp luật tại địa phương; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân; khảo sát, nắm bắt tình hình thực tế để tham gia thảo luận tại các kỳ họp Quốc hội. - Tham gia đầy đủ các hội nghị, hội thảo…của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các cơ quan của Quốc hội khi được mời hoặc được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phân công tham gia. V. Các hoạt động khác 1. Tham gia các hoạt động của địa phương: ĐBQH tỉnh bố trí thời gian tham dự các kỳ họp HĐND tỉnh và kỳ họp HĐND huyện, thị xã, thành phố nơi đại biểu ứng cử và các hoạt động khác ở địa phương khi được mời. 2. Tích cực tham gia việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, công tác báo cáo, thông tin về tình hình hoạt động của đại biểu và của Đoàn ĐBQH tỉnh theo quy định để cử tri và nhân dân theo dõi, giám sát. 3. Chỉ đạo và tạo điều kiện để Văn phòng tăng cường sự phối hợp giữa Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh với Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; phối hợp các cơ quan của tỉnh đón tiếp, phục vụ chu đáo các đoàn khách của Quốc hội, các tỉnh, thành phố đến thăm và làm việc tại tỉnh. 4. Tổ chức cho các ĐBQH đi học tập trao đổi kinh nghiệm về hoạt động của ĐBQH tại một số tỉnh, thành phố. B. THỜI GIAN THỰC HIỆN Quý I 1. Báo cáo kết quả hoạt động của Đoàn năm 2022, phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2023. 2. Lãnh đạo Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức thăm hỏi, chúc Tết một số gia đình người có công với cách mạng và tham gia các hoạt động chung của tỉnh nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. 3. Tổ chức giám sát, ban hành báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”. 4. Tổ chức giám sát, ban hành báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”. 5. Tổ chức giám sát; ban hành báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021” 6. Chuẩn bị tốt các nội dung có liên quan để tham dự kỳ họp bất thường lần thứ Hai. Quý II 1. Xây dựng Luật: - Tổ chức lấy ý kiến góp ý vào 06 dự án luật và 01 Nghị quyết dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ Năm, gồm: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. - Tổ chức lấy ý kiến góp ý tham gia vào 06 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ Năm, gồm: Luật Đất đai (sửa đổi) (cho ý kiến lần 2); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. 2. Xây dựng kế hoạch tiếp xúc cử tri; tổ chức tiếp xúc cử tri theo kế hoạch; báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri trước và sau kỳ họp thứ Năm Quốc hội khóa XV. 3. Khảo sát tình hình kinh tế - xã hội và một số lĩnh vực mà đại biểu quan tâm làm tư liệu cho các ĐBQH tham dự kỳ họp thứ Năm. 4. Tham dự kỳ họp thứ Năm Quốc hội khóa XV. 5. Xây dựng báo cáo công tác 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023 của Đoàn ĐBQH tỉnh. Quý III 1. Tham dự kỳ họp của HĐND tỉnh và HĐND các huyện, thị xã, thành phố. 2. Thăm một số cơ quan, đơn vị, gia đình có công với cách mạng nhân ngày Thương binh liệt sỹ 27/7. 3. Xây dựng Luật: - Tổ chức lấy ý kiến góp ý vào 06 dự thảo luật dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ Sáu: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. - Tổ chức lấy ý kiến tham gia vào 02 dự án luật dự kiến Quốc hội sẽ cho ý kiến tại kỳ họp thứ Sáu: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Lưu trữ (sửa đổi). 4. Xây dựng kế hoạch tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ Sáu; Tổ chức tiếp xúc cử tri theo kế hoạch; báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri. Quý IV 1. Khảo sát tình hình kinh tế - xã hội và một số lĩnh vực mà đại biểu quan tâm làm tư liệu cho các ĐBQH tham dự kỳ họp thứ Sáu. 2. Tham dự kỳ họp thứ Sáu Quốc hội khoá XV. 3. Xây dựng kế hoạch tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ Sáu; Tổ chức tiếp xúc cử tri theo kế hoạch; báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri theo quy định. 4. Báo cáo kết quả hoạt động của Đoàn năm 2023, phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2024. 5. Tham dự kỳ họp của HĐND tỉnh và HĐND các huyện, thị xã, thành phố. 6. Ban hành Chương trình, kế hoạch hoạt động của Đoàn năm 2024. 7. Ban hành kế hoạch tiếp công dân năm 2024. C. TỔ CHỨC THỰC HIỆN 1. Đề nghị các vị ĐBQH tỉnh quan tâm triển khai thực hiện các công việc theo chương trình hoạt động đã xây dựng. 2. Trong quá trình thực hiện, căn cứ vào yêu cầu thực tiễn hoạt động, Đoàn ĐBQH tỉnh có thể điều chỉnh, bổ sung một số nội dung hoạt động trong Chương trình sau khi xin ý kiến thống nhất của các vị ĐBQH tỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế của Trung ương và địa phương. 3. Giao Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ chủ động tham mưu, phục vụ Đoàn trong việc tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình công tác năm 2023. Nội dung chi tiết tại Chương trình 196/CT-ĐĐBQH: VP Tổng hợp
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh dự Lễ công bố và trao Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác cán bộ
Tổng Bí thư Tô Lâm: Cần tiếp tục tinh giản bộ máy, biên chế, giảm chi thường xuyên, dành nguồn lực cho đầu tư phát triển
Hội nghị lấy ý kiến xây dựng các Luật: Phòng không nhân dân; Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Địa chất và Khoáng sản
UBND tỉnh xem xét, cho ý kiến về việc ban hành Đề án xác định Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, cấp huyện giai đoạn 2024-2025