Chính phủ họp trực tuyến đánh giá công tác chỉ đạo ứng phó, tình hình thiệt hại và triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả cơn bão số 3

Ngày 8/9, Chính phủ tổ chức họp trực tuyến với 26 tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa trở ra phía Bắc nhằm đánh giá công tác chỉ đạo ứng phó, tình hình thiệt hại và triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả cơn bão số 3. Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu Hưng Yên có các đồng chí: Trần Quốc Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Hùng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Tô Thành Quyết, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương trong tỉnh.

Các đại biểu dự cuộc họp tại điểm cầu Hưng YênCác đại biểu dự cuộc họp tại điểm cầu Hưng Yên

Tại cuộc họp, lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương đã báo cáo nhanh về công tác lãnh đạo, chỉ đạo ứng phó và tình hình thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bão số 3 (tên quốc tế là Yagi) là cơn bão mạnh nhất trên Biển Đông trong vòng 30 năm qua. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 16, giật trên cấp 17; khi đổ bộ vào đất liền Quảng Ninh - Hải Phòng sức gió mạnh nhất cấp 13-14, giật cấp 16-17.

Để ứng phó với cơn bão này, trong những ngày qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 3 công điện khẩn để chỉ đạo các bộ, ban, ngành, địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó; các địa phương cũng tăng cường công tác chỉ đạo, tập trung lực lượng để ứng phó với cơn bão. Theo báo cáo nhanh của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngành chức năng và các địa phương đã kiểm đếm, hướng dẫn cho 51.319 tàu cá/219.913 người về nơi tránh trú; tổ chức sơ tán 52.979 người trên lồng bè, chòi canh nuôi thuỷ sản, trong các nhà yếu đến nơi an toàn; huy động trên 438 nghìn người, 6.642 phương tiện các loại để ứng phó với bão, phân công lực lượng ứng trực tại các vị trí xung yếu.

Về thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra, bước đầu ghi nhận 5 người thiệt mạng, 186 người bị thương; 25 tàu bị chìm tại nơi neo đậu; nhiều nơi bị mất điện, mất liên lạc do ảnh hưởng bởi đường điện, đường dây viễn thông bị đứt; 3.279 nhà ở bị hư hỏng; nhiều cửa hàng, trụ sở đơn vị, doanh nghiệp, trường học bị tốc mái, hư hỏng; rất nhiều cây xanh bị bật gốc, gãy đổ; khoảng gần 130 nghìn héc-ta lúa và hoa màu bị ngập, hư hại; trên 1.000 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi. Rạng sáng ngày 8/9, xảy ra vụ sạt lở đất tại xã Tân Minh, huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình làm 4 người trong một hộ gia đình chết, 1 người bị thương…

Tại tỉnh Hưng Yên, để ứng phó với cơn bão, các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn Hưng Yên và các cơ quan chức năng đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống, ứng phó với cơn bão số 3. Tuy nhiên, khi bão số 3 quét qua địa bàn tỉnh với cường độ mạnh cấp 8, gió giật cấp 11 đã gây không ít thiệt hại cho Nhân dân. Tính đến 6h30 ngày 8/9, bão số 3 đã làm sập 1 nhà; 951 căn nhà bị tốc mái, 9.236 cây xanh bị gãy đổ, 92 cột điện bị đổ, làm hư hỏng 10 chuồng trại chăn nuôi; đổ 540m tường rào, gần 900 biển quảng cáo bị hư hỏng, 3.200 m2 nhà lưới bị tốc mái. Về hoa màu, ước tính diện tích thiệt hại trên 14 nghìn héc-ta lúa, cây hoa rau màu, cây ăn quả. Ngoài ra một số phương tiện ô tô, xe máy, lồng bè nuôi cá bị hư hỏng; một số trụ sở trường học, đơn vị, doanh nghiệp… bị tốc mái, bung cửa. Do bị ảnh hưởng bởi cơn bão nên mạng viễn thông, điện bị mất cục bộ. Ước tính tổng thiệt hại sơ bộ do cơn bão gây ra trên địa bàn khoảng 150 tỷ đồng.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, tính đến 4h sáng ngày 8/9, bão số 3 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực Tây Bắc Bộ, dự báo trong 12-24 giờ tới áp thấp nhiệt đới sẽ suy yếu thành vùng thấp và tan dần. Dự báo từ ngày 8 đến ngày 9/9/2024, hoàn lưu sau bão số 3 có thể sẽ gây mưa lớn cho cả khu vực các đồng bằng, trung du và vùng núi phía bắc, với lượng mưa trung bình 24 giờ có thể lên tới 100-150 mm, có nơi có thể trên 200 mm; gây nguy cơ cao xảy ra lũ trên các sông suối và lũ quét, sạt lở đất tại một số địa phương.

Nhiều cây xanh trên địa bàn tỉnh Hưng Yên bị đổ gãy do bão số 3 gây raNhiều cây xanh trên địa bàn tỉnh Hưng Yên bị đổ gãy do bão số 3 gây ra

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chuyển lời thăm hỏi, chia sẻ của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng các đồng chí lãnh đạo chủ chốt đến các gia đình có sự mất mát, thiệt hại từ cơn bão; đồng thời ghi nhận, biểu dương các đơn vị, địa phương, các lực lượng chức năng  đã tập trung, triển khai công tác phòng, chống, ứng phó hiệu quả với cơn bão; biểu dương Nhân dân đã chấp hành sự hướng dẫn của lực lượng chức năng và hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau trong công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả cơn bão.

Thủ tướng Chính phủ đánh giá: đây là cơn bão lớn, cường độ mạnh, nhanh và duy trì cấp siêu bão trong thời gian dài trên diện rộng. Tuy nhiên, do thực hiện tốt công tác dự báo, công tác chỉ đạo, ứng trực, truyền thông về cơn bão nên đã giảm thiểu về thiệt hại, nhất là về tính mạng con người. Nhiệm vụ cấp thiết hiện nay của các lực lượng, chính quyền địa phương là tập trung cho công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; quan tâm đến các gia đình chịu nhiều ảnh hưởng do bão, nhất là gia đình có người bị thiệt mạng, bị thương; thực hiện tốt công tác an sinh xã hội trên tinh thần không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở; không để học sinh thiếu lớp, thiếu trường; không để người bệnh thiếu nơi khám, chữa bệnh. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương, các ngành chức năng trước mắt khẩn trương khắc phục ngay tình trạng mất điện, mạng viễn thông nhằm phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của Nhân dân. Chính quyền các cấp, các ngành dành ưu tiên cho công tác khắc phục hậu quả sau bão; sử dụng ngay nguồn lực dự trữ, dự phòng theo quy định chung từ trung ương và địa phương để sử dụng vào mục đích cấp thiết, đáp ứng yêu cầu thiết yếu cho Nhân dân; tiếp tục ứng trực, khắc phục hậu quả sau bão; duy trì, tăng cường công tác dự báo, truyền thông, hướng dẫn kỹ năng, phương pháp phòng, chống thiên tai; yêu cầu triển khai ngay các tổ công tác để trực tiếp đến địa phương kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục theo phương án nhanh chóng, hiệu quả.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng chỉ ra một số bài học sau cơn bão số 3, đó là: phải bám sát, kiên quyết, quyết tâm, quyết liệt, hiệu quả; chấp hành nghiêm các chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, chủ động, tích cực, sáng tạo; bảo đảm công tác huy động lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ trong các tình huống đối phó với thiên tai, địch họa…

Báo Hưng Yên

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
116 người đang online