27/12/2014 | lượt xem: 1 Chất vấn và trả lời chất vấn, phương thức giám sát hiệu quả tại Kỳ họp Chất vấn là quyền và hình thức giám sát trực tiếp của đại biểu HĐND tại kỳ họp. Theo Điều 41 Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2013 quy định “đại biểu HĐND có quyền chất vấn Chủ tịch HĐND, Chủ tịch và các thành viên khác của UBND, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và thủ trưởng các cơ quan thuộc UBND cùng cấp”. Trong thời gian Hội đồng nhân dân họp, đại biểu Hội đồng nhân dân gửi chất vấn đến Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp. Người bị chất vấn phải trả lời trước Hội đồng nhân dân tại kỳ họp đó. Trong các kỳ họp HĐND, phiên chất vấn và trả lời chất vấn là phiên họp quan trọng. Đây cũng là một nội dung thời sự, được đông đảo cử tri, các tầng lớp nhân dân, cơ quan thông tấn, báo chí chú ý theo dõi, đánh giá khẳng định vai trò, vị trí của HĐND - cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương; là diễn đàn thể hiện vai trò tích cực của từng đại biểu HĐND cũng như trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan đối với những vấn đề cử tri quan tâm. Thực tế cho thấy, kỳ họp nào có nhiều ý kiến chất vấn của đại biểu và trả lời chất vấn tốt sẽ tạo ra bầu không khí dân chủ; xuất phát từ lợi ích của nhân dân sẽ có tác dụng rất lớn trong việc giải quyết những vấn đề bức xúc, vướng mắc, tồn tại, những mâu thuẫn, bất cập, góp phần thúc đẩy KT - XH của địa phương phát triển. Qua trao đổi kinh nghiệm một số tỉnh, thành phố cho thấy, tại các kỳ họp HĐND các tỉnh, thành phố trong những năm gần đây cho thấy, hầu hết ý kiến chất vấn của đại biểu đều tập trung vào các lĩnh vực được người dân quan tâm như: đất đai, môi trường, đền bù giải phóng mặt bằng, chương trình hỗ trợ cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; quan tâm các chế độ chính sách; cải cách thủ tục hành chính, công tác giải quyết KNTC của công dân. Tuy nhiên, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp của một số HĐND tỉnh còn nhiều bất cập: một số đại biểu đặt câu hỏi còn dài, thiếu trọng tâm; người trả lời chất vấn nặng về giải thích, chưa đi thẳng vào vấn đề, nhìn nhận trách nhiệm còn chung chung. Hệ quả của chất vấn và trách nhiệm pháp lý của người chất vấn và người được chất vấn cũng chưa rõ. Trong quá trình chất vấn, có đại biểu nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ về vai trò, tác dụng, ý nghĩa sâu sắc của việc chất vấn, có đại biểu hỏi chỉ để biết thông tin; một số đại biểu còn nể nang ngại va chạm nên công tác chất vấn còn hạn chế... Chất vấn là quyền đặc biệt được pháp luật quy định, chỉ đại biểu dân cử mới có quyền này. Vì vậy, để nâng cao chất lượng, hiệu quả chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp HĐND, cần thực hiện tốt một số nội dung sau : Thứ nhất, Thường trực HĐND mỗi cấp cần xác định những vấn đề đưa vào nội dung chất vấn tại kỳ họp. Thông qua các cuộc kiểm tra, giám sát nhìn thấy trước những việc nổi cộm, bức xúc hoặc những vấn đề mà dư luận và cử tri quan tâm, từ đó mà xem xét và đưa ra vấn đề cần chất vấn. Thứ hai, những nội dung chất vấn tại kỳ họp thường liên quan đến trách nhiệm, thẩm quyền, chức năng giải quyết của nhiều cấp, nhiều ngành và cá nhân, đơn vị, trong đó có những nội dung chất vấn không giải quyết được tại kỳ họp, cần phải có thời gian xem xét, kiểm tra, đôn đốc. Vì vậy, sau các kỳ họp HĐND, Thường trực HĐND cần có văn bản yêu cầu các tổ chức, cá nhân được chất vấn giải quyết đồng thời thông báo kết quả với đại biểu có câu hỏi chất vấn để trực tiếp trả lời cử tri và nhân dân. Thứ ba, để nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn, giữa hai kỳ họp đại biểu phải chuẩn bị chu đáo câu chất vấn đúng pháp luật, đúng thực tế, có trọng tâm, trọng điểm gửi Thường trực HĐND cùng cấp để tổng hợp, lựa chọn. Muốn vậy, đại biểu phải dành thời gian nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật, nắm vững quyền và trách nhiệm của đại biểu HĐND; nội dung nghị quyết của HĐND đã ban hành tại các kỳ họp. Tăng cường giám sát và tiếp xúc với cử tri, tiếp công dân, lắng nghe dư luận trong nhân dân, từ đó đối chiếu với các quy định của pháp luật và của địa phương để hình thành câu chất vấn. Thứ tư, trước kỳ họp, đại biểu HĐND phải dành thời gian tập trung đọc và nghiên cứu kỹ các báo cáo sẽ được trình tại kỳ họp để tự phân tích, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương; tự đánh giá hiệu quả, ưu, khuyết điểm trong công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành của UBND và các ngành liên quan. Từ đó, đại biểu HĐND nhận định được nguyên nhân chủ quan, khách quan dẫn đến kết quả hoàn thành hoặc không hoàn thành nhiệm vụ của địa phương, từng đơn vị. Thứ năm, tại kỳ họp, Chủ tọa cần đổi mới phương pháp điều hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn: hướng người chất vấn và trả lời chất vấn vào nội dung chính, trọng tâm; cần động viên, khích lệ đại biểu, tạo không khí cởi mở, trách nhiệm giữa người chất vấn và người trả lời chất vấn; cần phân phối thời gian phù hợp cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, tùy mỗi lĩnh vực, mỗi ngành mà bố trí thời lượng chất vấn, trả lời chất vấn cho thỏa đáng.
Đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri tại huyện Phù Cừ trước kỳ họp thường lệ cuối năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026
Đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri tại huyện Khoái Châu trước Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên tiếp xúc cử tri chuyên đề với đoàn viên Công đoàn, người lao động
KẾ HOẠCH Tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề với đoàn viên công đoàn, người lao động trên địa bàn tỉnh năm 2024