12/09/2024 | lượt xem: 1 Bảo đảm an toàn cho người dân vùng ngập lụt Do ảnh hưởng của bão số 3 (Yagi) và việc xả lũ từ các hồ thủy điện, mực nước sông Hồng và sông Luộc qua địa phận tỉnh đã dâng cao, đặt tỉnh vào tình trạng báo động. Hiện nay, mực nước sông Hồng đã vượt mức báo động 3, trong khi nước sông Luộc cũng vượt báo động 2 và tiếp tục lên cao. Trước tình hình mưa lớn kéo dài và lũ vẫn dâng cao, việc bảo đảm an toàn cho người dân vùng ngập lụt đang là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu của các địa phương trong tỉnh. Các lực lượng chức năng hỗ trợ người dân ở thành phố Hưng Yên từ vùng ngập nước đến nơi an toàn Qua ghi nhận thực tế của phóng viên ở các huyện Phù Cừ, Tiên Lữ, Kim Động, Khoái Châu, Văn Giang và thành phố Hưng Yên, nhiều hộ dân sống ngoài bãi sông Hồng, sông Luộc thuộc các vùng nguy hiểm đã được chính quyền địa phương khẩn trương di dời vào trong đê để bảo đảm an toàn tính mạng con người. Tại xã Thụy Lôi (Tiên Lữ), 10 người dân từ các thôn Lệ Chi và Thụy Dương đã được di dời vào Trường tiểu học Thụy Lôi từ tối ngày 10/9. Trong số đó, đa phần là người già, trẻ em và những người có sức khỏe yếu, dễ bị tổn thương trong điều kiện mưa lũ. Tại điểm sơ tán, người dân được cung cấp đầy đủ các nhu yếu phẩm cơ bản như chỗ ngủ nghỉ, thực phẩm và nước uống. Bà Vũ Thị Nhẫn, một người dân thôn Lệ Chi, xúc động: "Nhờ có sự giúp đỡ kịp thời của chính quyền mà gia đình chúng tôi đã thoát khỏi vùng nguy hiểm, an toàn đến nơi sơ tán. Điều kiện tại đây được địa phương chuẩn bị chu đáo, có điện, có nước sạch, thực phẩm đầy đủ." Đồng chí Bùi Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Lữ cho biết: "Toàn huyện đã di dời 163 người dân từ các vùng ngập lụt nguy hiểm. Chúng tôi đang tiếp tục rà soát và tiến hành đưa các hộ dân còn lại trong khu vực nguy hiểm di dời đến nơi an toàn. Tại các điểm người dân được di dời đến, chính quyền địa phương hỗ trợ các điều kiện sinh hoạt tối thiểu như nơi ở, lương thực và nước uống, bảo đảm sức khỏe trong thời gian chờ nước lũ trên các sông rút". Tại thành phố Hưng Yên, đã có hàng trăm người dân sống tại các khu vực bãi sông được di dời đến nơi an toàn. Đồng chí Nguyễn Thị Hưng, Bí thư Đảng ủy phường Lam Sơn, cho biết: "Phường đã huy động cả hệ thống chính trị, cùng sự tham gia của các lực lượng và người dân, để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Không quản ngại thời tiết, đêm tối, người và tài sản ở vùng nguy hiểm đã được chuyển đến nơi an toàn. Chúng tôi vẫn tiếp tục theo dõi sát sao tình hình thời tiết và mực nước để có các phương án ứng phó kịp thời". Để chuẩn bị cho việc di dời người dân thuộc vùng lũ, ngày 11/9, UBND thành phố Hưng Yên đã có công văn đề nghị các trường: Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Tô Hiệu; Cao đẳng Y tế Hưng Yên; Cao đẳng Cộng đồng Hưng Yên; Đại học Chu Văn An; THPT Quang Trung; THPT Tô Hiệu, thực hiện mở cửa, chuẩn bị phòng và các điều kiện tốt nhất có thể trong khả năng để đón Nhân dân di dời từ vùng lũ vào lánh trú. Trước tình hình mưa lớn kéo dài và mực nước các sông dâng cao, chính quyền các cấp và các địa phương trong tỉnh đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó. Các lực lượng cứu hộ và phòng, chống thiên tai luôn trong tư thế sẵn sàng, với phương châm bảo đảm an toàn tính mạng là ưu tiên hàng đầu. Việc tuyên truyền, vận động và thuyết phục người dân rời khỏi vùng nguy hiểm tiếp tục được đẩy mạnh, nhất là ở các xã, phường ven sông, khu vực ngoài bãi. Theo báo cáo nhanh của UBND tỉnh, đến 10h30 ngày 11/9, trên địa bàn tỉnh đã di dời 538 người dân/86 hộ từ ngoài bãi sông vào trong đồng, chủ yếu tại các huyện Tiên Lữ, Kim Động, thành phố Hưng Yên. Sáng ngày 11/9, xã Thanh Long (Yên Mỹ) cũng tiến hành di dời người và tài sản có giá trị của 8 gia đình với 24 nhân khẩu của thôn Long Vỹ thuộc khu vực giáp sông, không an toàn đến nơi an toàn. Tại huyện Văn Giang, xã Xuân Quan đã làm việc với Khu đô thị Ecopark để bố trí chỗ ở tạm thời cho hơn 6 nghìn hộ dân của xã lánh trú khi có tình huống khẩn cấp. Xã Thắng Lợi tuyên truyền các hộ dân sinh sống ngoài bãi gần sông Hồng di chuyển trú tạm ở một số nhà dân cách xa sông; tập trung đắp bờ để chống tràn nước vào khu vực Nhân dân sinh sống, sẵn sàng các điều kiện sơ tán khi có lệnh. Bên cạnh sự chỉ đạo quyết liệt từ chính quyền, các địa phương phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể để hỗ trợ người dân di dời tài sản, gia súc, gia cầm đến nơi an toàn. Những người già yếu, trẻ nhỏ, các đối tượng khó khăn, đặc biệt được ưu tiên di dời trước, nhằm giảm thiểu nguy cơ thiệt hại do lũ lụt. Tại một số địa phương khác trong tỉnh, công tác bảo vệ, gia cố đê điều, kè sông cũng được triển khai khẩn trương để ứng phó với mực nước dâng cao. Chính quyền các cấp đã lập các điểm sơ tán và hỗ trợ người dân tại những vùng ngập lụt, bảo đảm các điều kiện sinh hoạt cơ bản, bao gồm cung cấp lương thực, nước uống và chỗ ở tạm thời. Cùng với đó, mỗi người dân cần nêu cao ý thức cảnh giác, tuân thủ hướng dẫn từ chính quyền, sẵn sàng hợp tác trong việc di dời khi có yêu cầu. Trong bối cảnh thời tiết diễn biến phức tạp, sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền và người dân là yếu tố then chốt để vượt qua thiên tai, bảo đảm tính mạng và tài sản. Các địa phương cũng kêu gọi sự hỗ trợ từ các lực lượng, đoàn thể, doanh nghiệp và cộng đồng trong việc chung tay giúp đỡ người dân vùng bị ngập lụt. Báo Hưng Yên
Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh và các thành viên UBND tỉnh họp xem xét, cho ý kiến về một số nội dung quan trọng