17/07/2015 | lượt xem: 1 BÁO CÁO Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 10 – HĐND tỉnh khóa XV của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn UBND TỈNH HƯNG YÊN SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT Số: 95 /BC-SNN CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆTNAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hưng Yên, ngày 17 tháng 7 năm 2015 BÁO CÁO Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 10 – HĐND tỉnh khóa XV Kính gửi: - Thường trực Tỉnh ủy, - Thường trực HĐND tỉnh và UBND tỉnh, - Các vị đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh. Thực hiện Công văn số 1168/ UBND - VP ngày 09/7/2015 của UBND tỉnh Hưng Yên về việc phân công chuẩn bị nội dung trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri tại Kỳ họp thứ 10 - HĐND tỉnh khoá XV, Sở Nông nghiệp và PTNT xin báo cáo, trả lời như sau: 1. Cử tri huyện Phù Cừ, Ân Thi, Tiên Lữ, Khoái Châu, Văn Giang phản ánh: Việc hỗ trợ giống lúa chất lượng cao, cây vụ đông còn chậm, đề nghị tỉnh có giải pháp thu mua sản phẩm của nông dân, bảo đảm ổn định đời sống, tránh tình trạng được mùa mất giá a) Về nội dung hỗ trợ nông dân giống lúa chất lượng cao, cây vụ đông còn chậm. Để khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu trà vụ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất; hàng năm, Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu với UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ kinh phí cho nông dân mua giống lúa và giống cây vụ đông, thường trước gieo, trồng từ 2-3 tháng. Tuy nhiên, năm 2015 do phải kiểm tra quyết toán số kinh phí hỗ trợ cho các địa phương ở những năm trước để cân đối ngân sách cấp bổ sung, mặt khác tỉnh chỉ đạo giảm số giống gieo cấy và chỉ hỗ trợ giống chủ lực trong cơ cấu giống của tỉnh nên thời điểm ban hành quyết định hỗ trợ của UBND tỉnh có chậm hơn như ý kiến cử tri nêu. Liên ngành Sở Nông nghiệp và PTNT và Sở Tài chính đã trình UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí mua giống lúa phục vụ sản xuất 2015 (Tờ trình số 147/TTr-LN ngày 30/12/2014); đến ngày 22/01/2015 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 253/QĐ-UBND về việc hỗ trợ kinh phí cho sản xuất năm 2015; vụ xuân 2015 các địa phương đã triển khai, cung ứng cho nông dân được gần 90 tấn giống lúa các loại phục vụ sản xuất; số kinh phí tỉnh hỗ trợ còn lại các địa phương đã triển khai hỗ trợ nông dân mua giống lúa phục vụ sản xuất vụ mùa 2015. Đối với hỗ trợ cây vụ Đông 2014 - 2015: Liên ngành Sở Nông nghiệp và PTNT và Sở Tài chính đã trình UBND tỉnh (Tờ trình số 307/TTr-LN ngày 28/8/2014), đến ngày 15/9/2014 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1529/QĐ-UBND hỗ trợ sản xuất vụ Đông 2014-2015; như vậy, vẫn đảm bảo khung thời vụ trồng các cây trồng vụ đông được hỗ trợ (bí đỏ trồng trong tháng 9, ngô nếp trồng trước 10/10, khoai tây trồng từ 15/10-15/11). Hiện nay, Sở Nông nghiệp &PTNT đang xây dựng báo cáo đánh giá tình hình thực hiện các chính sách hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp; theo đó, tổng hợp kinh phí hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi cho cả giai đoạn 2016 – 2020; qua đó, Sở Nông nghiệp & PTNT sẽ chủ động phối hợp với cơ quan chức năng tham mưu UBND tỉnh sớm quyết định phân bổ kinh phí hỗ trợ hàng năm để các địa phương và nông dân chủ động hơn trong triển khai thực hiện. b) Đề nghị tỉnh có giải pháp thu mua sản phẩm của nông dân, bảo đảm ổn định đời sống, tránh tình trạng được mùa mất giá. Trong thời gian qua, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu ban hành nhiều cơ chế chính sách để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ nông sản cho nông dân, cụ thể: - Hỗ trợ cho nông dân vốn để mua giống mới, chuyển giao và xây dựng mô hình áp dụng công nghệ mới; hỗ trợ lãi suất tiền vay để mua giống, vật tư đầu vào, hạ tầng cơ sở để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAHP; hỗ trợ kinh phí tiêm phòng, thuốc bảo vệ thực vật, miễn thủy lợi phí, kịp thời hỗ trợ chống hạn, chống úng, phòng chống thiên tai và dịch bệnh. - Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, thông tin sản xuất và tìm kiếm thị trường, hỗ trợ các hoạt động xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý một số sản phẩm cây con đặc sản có lợi thế của tỉnh; tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về hội nhập kinh tế quốc tế; tăng cường công tác quản lý thị trường...; khuyến khích các thành phần kinh tế ký hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản cho nông dân, gắn với các chính sách hỗ trợ thu hút các dự án sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản đầu tư vào địa bàn; đầu tư nâng cấp và xây dựng mới hệ thống chợ nông thôn, chợ đầu mối nông sản, hệ thống kho chứa để phục vụ phát triển các vùng sản xuất, tiêu thụ hàng hóa,.. - Đã và đang thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án như: Dự án sản xuất giống lúa; dự án phát triển chăn nuôi lợn an toàn sinh học theo hướng VietGahp và bò thịt cao sản, đề án giống vật nuôi, dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (Lifsap),... - Khuyến khích liên kết 4 nhà để đưa nhanh khoa học, công nghệ sinh học vào sản xuất, xây dựng các mô hình trình diễn, cung ứng giống tốt, vốn, vật tư cho nông dân sản xuất và hợp đồng thu mua nông sản; sản xuất theo ”cánh đồng mẫu”, mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Kết quả: đã xuất hiện các mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp khá hiệu quả, điển hình là mô hình liên kết giữa Xí nghiệp Giống cây trồng Phù Cừ với nông dân các các xã Quang Hưng, Đình Cao - huyện Phù Cừ và các xã Hưng Đạo, Minh Phượng - huyện Tiên Lữ trong việc tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho 80 ha lúa giống sản xuất tại địa phương; mô hình sản xuất giống lúa tại Hưng Đạo và Nhật Tân liên kết với công ty CP Giống cây trồng Thái Bình, mỗi vụ sản xuất hàng 100ha....; mô hình liên kết giữa Công ty Sữa Vinamilk, Công ty Sữa quốc tế với các hộ chăn nuôi bò sữa (các Công ty sữa bao tiêu toàn bộ sản phẩm sữa bò cho nông dân của các huyện Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động) ,… Trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp nêu trên và chú trọng một số giải pháp khác để thúc đẩy sản xuất phát triển, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh và khả năng tiêu thụ sản phẩm cho nông dân như: - Phối hợp với UBND các huyện, thành phố chỉ đạo chuyển đổi HTX theo Luật HTX năm 2012; tạo vùng liên kết sản xuất nông sản thực phẩm an toàn theo hướng từng bước tạo dựng thị trường cung - cầu trong khu vực; xây dựng, củng cố sự liên kết vững chắc giữa vùng sản xuất hàng hóa với doanh nghiệp, tư thương, nhằm ổn định và mở rộng thị trường, đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm của các bên trong việc cam kết theo hợp đồng mua, bán nông sản. - Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; thực hiện tốt Quyết định số 438/QĐ - UBND ngày 03/2/2015 về việc phê duyệt Kế hoạch khung chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm, kết hợp chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa đến năm 2020, để phát triển những cây trồng, vật nuôi có thế mạnh của tỉnh và tiêu thụ ổn định hơn. 2. Cử tri huyện Kim Động, Tiên Lữ và Phù Cừ đề nghị việc hỗ trợ làm đường giao thông nông thôn cần thông báo cụ thể về thời gian để nhân dân có kế hoạch thực hiện. Đề nghị tỉnh hỗ trợ xây dựng hệ thống kênh mương, thủy lợi phục vụ sản xuất. a) Đề nghị hỗ trợ làm đường giao thông nông thôn cần thông báo cụ thể về thời gian để nhân dân có kế hoạch thực hiện. Hiện nay, việc làm đường giao thông nông thôn theo cơ chế hỗ trợ xi măng được thực hiện theo Quyết định số 04/2013/QĐ-UBND ngày 08/3/2013 của UBND tỉnh; đồng thời, UBND tỉnh đã ủy quyền cho Chủ tịch UBND các huyện, thành phố phê duyệt danh mục đầu tư và phân bổ kinh phí để làm đường giao thông nông thôn (Quyết định số 1510/QĐ-UBND ngày 10/9/2014). Hàng năm, sau kỳ họp HĐND cuối năm, UBND tỉnh quyết định giao kế hoạch ngân sách năm sau cho các Sở, ban ngành, đoàn thể và các địa phương, trong đó có dự kiến kinh phí cho chương trình xây dựng nông thôn mới; theo đó HĐND các huyện, thành phố họp, thảo luận và thông qua kế hoạch ngân sách của địa phương ngay từ đầu năm. Đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND các xã xây dựng kế hoạch, danh mục đầu tư, khối lượng xi măng và dự toán kinh phí trình, thẩm định, phê duyệt ngay từ những tháng đầu năm, để khi được phân bổ vốn thì triển khai thực hiện được ngay. Năm 2015, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 567/QĐ- UBND ngày 27/2/2015 về việc phân bổ nguồn vốn dự phòng ngân sách tỉnh năm 2014, nguồn kết dư xổ số kiến thiết năm 2012 - 2013 và nguồn vốn trái phiếu Chính phủ năm 2015 hỗ trợ đầu tư xây mới, cải tạo sửa chữa trạm y tế xã và xây dựng đường giao thông nông thôn với kinh phí 116,2 tỷ đồng; Quyết định số 914/QĐ-UBND ngày 08/5/2015 về việc tạm ứng từ nguồn kinh phí làm lương ngân sách tỉnh hỗ trợ UBND các huyện, thành phố để thực hiện các đoạn đường, tuyến đường thôn, xóm, đường ra đồng theo cơ chế hỗ trợ xi măng thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2015. b) Đề nghị tỉnh hỗ trợ xây dựng hệ thống kênh mương, thủy lợi phục vụ sản xuất. Trong những năm qua, tỉnh đã bố trí vốn đầu tư xây dựng hầu hết các công trình theo quy hoạch thủy lợi giai đoạn 2000 -2010 như : Cải tạo, xây dựng trạm bơm Nam Cửu An, Đầm Hồng, Văn Phú B, Bần và trạm bơm Vinh Quang; đang triển khai thi công trạm bơm Hưng Long, Phan Đình Phùng ...; nạo vét các sông trục, kênh tưới, tiêu trong hệ thống của tỉnh. Đã kiên cố hóa được trên 300 km kênh mương các loại (như: kè lát mái sông Hòa Bình, sông Tân Hưng, sông Tây Tân Hưng). Ngoài ra bằng nguồn vốn thủy lợi phí hàng năm, Công ty TNHH một thành viên thường xuyên cải tạo, nâng cấp sửa chữa, nạo vét, kiên cố hóa, hệ thống công trình máy móc thiết bị; đến nay, Công ty đã cơ bản hoàn thành nâng cấp các máy từ 1000 m3/h thành máy 1400m3/h, cải tạo thay toàn bộ máy 4000m3/h trục ngang thành máy bơm hỗn lưu 4000m3/h, cải tạo thay mới nhiều tổ máy 2500 m3/h; tỉnh đang tranh thủ nguồn vốn trung ương để đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi như trạm bơm Nghi Xuyên, Liên Nghĩa và trạm bơm Chùa Tổng, cải tạo, nạo vét sông Đồng Quê, Cửu An và sông Điện Biên...do vậy, hệ thống thủy lợi đã đáp ứng tưới chủ động khoảng 90% diện tích, tiêu chủ động 82% diện tích. Tuy nhiên, hệ thống thủy lợi của tỉnh tương đối lớn với khoảng gần 600 trạm bơm và trên 3500 km kênh mương các loại. Hiện nay, do tốc độ đô thị hóa,hình thành nhiều khu công nghiệp và cụm công nghiệp, dẫn đến hệ số tiêu tăng lên; mặt khác, biến đổi khí hậu diễn biến ngày một phức tạp, vì vậy việc đầu tư nâng cấp, cải tạo sửa chữa các công trình cũng chưa đáp ứng hết được yêu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Hiện nay, Sở đang xây dựng kế hoạch tái cơ cấu ngành thủy lợi tỉnh Hưng Yên (theo đề án tái cơ cấu ngành thủy lợi của Bộ Nông nghiệp & PTNT); theo đó, Sở sẽ phối hợp với các sở, ngành chức năng tham mưu tiếp tục đầu tư cải tạo nâng cấp, sửa chữa, kiên cố hóa, nạo vét, hệ thống công trình thủy lợi đáp ứng nhiệm vụ quy hoạch phát triển kinh tế giai đoạn 2015-2020 của tỉnh. 3. Cử tri Thị trấn Văn Giang phản ánh, hiện nay sông Ngưu Giang sạt lở nghiêm trọng, đề nghị tỉnh có kế hoạch kè, nạo vét, đảm bảo tưới, tiêu thoát nước. Sông Ngưu Giang làm nhiệm vụ tiêu cho 2056 ha diện tích của huyện Văn Giang, Yên Mỹ và cấp nguồn nước tưới cho 06 trạm bơm trong khu vực; UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3332/QĐ - UBND ngày 12/8/2005 phê duyệt dự án đầu tư cải tạo, nạo vét sông Ngưu Giang, dự án hoàn thành đưa vào sử dụng được khoảng 10 năm; khi đầu tư nạo vét hệ số tưới q = 1,53 l/s/ha, hệ số tiêu q = 4,5 l/s/ha, sông Ngưu Giang nói chung, đoạn qua thị trấn Văn Giang đang tiêu tự chảy. Hiện nay, hệ số tiêu tăng lên q= 6,13 l/s/ha; diện tích lưu vực sông chuyển đổi chủ yếu là cây trồng cạn, đoạn qua khu dân cư bờ sông có đoạn kết hợp làm đường giao thông và khu nội thị mặt cắt sông nhỏ, không đáp ứng được yêu cầu tiêu khi có mưa lớn xảy ra; theo quy hoạch, từ năm 2016 lưu vực sông Ngưu Giang sẽ được tiêu về trạm bơm Liên Nghĩa. Để đáp ứng được tưới, tiêu và cảnh quan môi trường, đề nghị tỉnh cho cải tạo, nạo vét và kè mái sông các đoạn qua khu dân cư, khu nội thị và cạnh đường giao thông. 4. Cử tri huyện Kim Động đề nghị tỉnh xem xét lại việc bàn giao các trạm bơm dã chiến cho Ban Quản lý HTX dịch vụ nông nghiệp đang quản lý nay bàn giao lại cho Xí nghiệp KTCTTL là không hợp lý, bởi vốn này do xã viên HTX đóng góp và chủ động trong việc tưới tiêu phục vụ sản xuất. Những năm gần đây, tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu ngày càng phức tạp, các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra nhiều và diễn biến khó lường (nắng nóng kéo dài; thiếu nguồn nước trầm trọng giai đoạn mùa kiệt gây hạn hán; bão, lũ xuất hiện với cường độ cao gây mưa lớn, ngập úng trên diện rộng) ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, đời sống dân sinh đặt ra những yêu cầu, thách thức cho công tác thủy lợi; đòi hỏi cao về năng lực quản lý, vận hành khai thác theo hệ thống mới chủ động chống úng, hạn đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp, đồng thời là căn cứ để áp dụng phương thức canh tác tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa, ứng dụng khoa học, kỹ thuật tưới cho cây trồng cạn, nuôi trồng thủy sản, phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng NTM thích ứng với biến đổi khí hậu. Năm 2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 12 - NQ/TU; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 50A/CTr - UBND về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tăng cường giải quyết, xử lý hiệu quả tình trạng vi phạm, lấn chiếm công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh; trong đó thực hiện thí điểm mô hình quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi ở cấp xã, cấp huyện theo hướng Công ty KTCTTL quản lý tới mặt ruộng và hợp đồng có thời hạn với cán bộ ở các thôn đối với công tác quản lý và khai thác công trình thủy lợi. Thực hiện Công văn số 582/UBND - KT 1 ngày 16/4/2015 của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp & PTNT xây dựng kế hoạch triển khai rà soát, thống kê công trình thủy lợi do cấp xã quản lý của huyện Kim Động, Ân Thi và Phù Cừ làm cơ sở cho việc lập kế hoạch bàn giao thí điểm ở ba huyện trình UBND tỉnh xem xét; đồng thời liên ngành Sở Tài Chính - Sở Nông Nghiệp & PTNT ban hành Hướng dẫn số 160/HDLN TC – NN ngày 9/6/2015 về việc giao, nhận tài sản công trình thủy lợi do cấp xã quản lý về công ty TNHH một thành viên KTCTTL; hoàn trả và quản lý vốn, tài sản đúng quy định, phát huy năng lực hoạt động của công trình thủy lợi để phục vụ sản xuất nông nghiệp ngày một tốt hơn. Sở Nông nghiệp & PTNT xin trân trọng báo cáo! Nơi nhận: - Như Kính gửi; - VP HĐND, UBND tỉnh; - Lãnh đạo Sở ; - Các phòng, đơn vị liên quan thuộc Sở; - Lưu: VT, TH. GIÁM ĐỐC (Đã ký) Nguyễn Văn Doanh
Đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri tại huyện Phù Cừ trước kỳ họp thường lệ cuối năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026
Đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri tại huyện Khoái Châu trước Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên tiếp xúc cử tri chuyên đề với đoàn viên Công đoàn, người lao động
KẾ HOẠCH Tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề với đoàn viên công đoàn, người lao động trên địa bàn tỉnh năm 2024