Bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Hữu Nghĩa, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ tại kỳ họp

Kính thưa các đồng chí đại diện Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Ban Dân vận Trung ương và Văn phòng Trung ương Đảng,

Kính thưa các vị đại biểu khách quý Trung ươngcác vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

Kính thưa toàn thể cử tri và Nhân dân trong tỉnh!

bt,08570306.jpg

Đồng chí Nguyễn Hữu Nghĩa, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại kỳ họp

Hôm nay, tôi rất vui mừng tới dự Kỳ họp thường lệ giữa năm của HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026. Kỳ họp diễn ra trong bối cảnh Ban Chấp hành Đảng bộ các cấp tiến hành tổ chức kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp giữa nhiệm kỳ 2020-2025 gắn với đánh giá sơ kết 6 tháng đầu năm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023; cán bộ, đảng viên và Nhân dân rất phấn khởi trước những thành tựu đổi mới và phát triển toàn diện của tỉnh; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân không ngừng được nâng cao; Đảng bộ, chính quyền và hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở không ngừng được xây dựng, củng cố ngày càng trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; vai trò, quyền làm chủ của Nhân dân ngày càng được phát huy.

Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, tôi gửi lời thăm hỏi và lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến các đồng chí lãnh đạo tỉnh, đại biểu khách quý, các vị đại biểu HĐND tỉnh và toàn thể cử tri, Nhân dân trong tỉnh.

Chúc kỳ họp thường lệ giữa năm của HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026 thành công tốt đẹp.

Thưa các đồng chí, các vị đại biểu cùng toàn thể cử tri và Nhân dân trong tỉnh!

Chúng ta bước vào nhiệm kỳ này với rất nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có, nhất là đại dịch Covid-19, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, tranh chấp biển, đảo, chiến tranh, thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh phi truyền thống ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống xã hội. Đến giữa năm 2022, đại dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát ở nước ta và cả nền kinh tế chuyển sang trạng thái “thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, theo đó nền kinh tế bắt đầu phục hồi nhanh. Tuy nhiên, bức tranh kinh tế thế giới và khu vực bước vào năm 2023 phủ một màu xám với triển vọng tăng trưởng ảm đạm do tác động của xung đột Nga – Ucraine kéo dài, khủng hoảng chi phí do áp lực lạm phát kéo dài và lan rộng, tăng trưởng kinh tế, đầu tư, thương mại giảm mạnh. Hầu hết các nước thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất cao để chống lạm phát đã làm suy yếu các hoạt động kinh tế, đầu tư, tổng cầu và xuất khẩu. Tình trạng suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế diễn ra trên diện rộng ở hầu hết các khu vực trên thế giới.

Theo Ngân hàng Thế giới (World Bank), tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 ước đạt 2,9% - mức thấp nhất trong 3 thập kỷ (không tính các năm suy thoái kinh tế 2009 và 2020); năm 2023 chỉ đạt 2,1%, 95% nền kinh tế phát triển và 70% các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển bị giảm tăng trưởng. Năm 2023, các nền kinh tế phát triển tăng trưởng 0,5%; các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển tăng trưởng 2,7%. Cả ba đầu tầu tăng trưởng của kinh tế thế giới đều suy giảm tăng trưởng và ở mức dưới tiềm năng: Mỹ (+0,5%), Khu vực đồng Euro (+0%) và Trung Quốc (4,3%). 

Bối cảnh tình hình nêu trên có ảnh hướng rất lớn đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả nhiệm kỳ cũng như của năm 2023.

Thưa các đồng chí, các vị đại biểu cùng toàn thể cử tri và Nhân dân trong tỉnh!

Để có thêm cơ sở giúp các đồng chí thảo luận, đánh giá sâu sắc hơn về tình hình kinh tế - xã hội và quyết định những vấn đề quan trọng của tỉnh tại kỳ họp này, tôi xin cung cấp tới các đồng chí một số thông tin quan trọng sau.

Hội nghị lần thứ 23 của Ban Chấp hành Đảng bộ khóa XIX vừa được tổ chức thành công ngày 30/6/2023 đã thống nhất đánh giá, kết luận về kết quả bước đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIX của Đảng bộ tỉnh như sau: 

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, chung sức, đồng lòng của toàn dân, toàn quân, cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh Hưng Yên, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XIX của Đảng bộ tỉnh tiếp tục được thể chế hóa và quán triệt, triển khai đồng bộ với các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tỉnh. Nhìn chung, trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025, các mục tiêu, định hướng, 3 đột phá chiến lược và các nhiệm vụ, giải pháp được triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ và đạt được kết quả khá toàn diện. Nền kinh tế tiếp tục được cơ cấu lại, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ gắn với đô thị hóa, nâng cao năng suất, chất lượng tăng trưởng. Hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư phát triển mạnh mẽ, đồng bộ. Nền kinh tế tăng trưởng nhanh, bền vững hơn (ước 9,3%/năm); các cân đối vĩ mô lớn được củng cố bền vững; năng lực tự cường, sức chống chịu rủi ro của nền kinh tế tỉnh được nâng cao; thu ngân sách nhà nước tăng mạnh; xã hội ổn định; an sinh xã hội được bảo đảm; thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, phúc lợi xã hội từng bước được nâng cao; các chính sách đối với người có công với cách mạng được thực hiện đầy đủ, đúng quy định; tỉ lệ hộ nghèo giảm (năm 2022 còn 1,93%); lao động, việc làm được bảo đảm; xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu đạt được kết quả tích cực; sự nghiệp văn hóa, y tế, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ có bước tiến bộ quan trọng; quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; hoạt động đối ngoại không ngừng mở rộng.

Về cơ bản, 19 nhóm chỉ tiêu về kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và bảo vệ môi trường đạt kết quả khả quan, trong đó 3 chỉ tiêu xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và 15 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội đã đạt và vượt mức Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh đề ra; các chỉ tiêu còn lại, tiếp tục phấn đấu sẽ hoàn thành đến cuối nhiệm kỳ.

Tuy nhiên, kết quả đạt được nêu trên cũng mới chỉ là bước đầu và còn nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức như: Năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở còn yếu; phát triển tổ chức đảng, đảng viên còn khó khăn; năng lực đội ngũ cán bộ, đảng viên chậm được nâng cao ngang tầm nhiệm vụ; tăng trưởng kinh tế dưới tiềm năng, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế còn hạn chế; phát triển sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ còn thấp; chưa thu hút được nhiều dự án lớn, công nghệ hiện đại, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào tỉnh; ô nhiễm môi trường chưa được xử lý căn cơ; công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác có mặt còn hạn chế;…

Thưa các đồng chí, các vị đại biểu cùng toàn thể cử tri và Nhân dân trong tỉnh!

Bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước khó khăn trong 6 tháng đầu năm 2023 như trên đã nêu ảnh hưởng không nhỏ đến thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của tỉnh Hưng Yên. Song, nhờ sự lãnh đạo sát sao của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, có hiệu quả của HĐND, UBND tỉnh trong triển khai các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Trung ương và của tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023 của tỉnh Hưng Yên đã có những chuyển biến tích cực: Kinh tế tăng trưởng khá; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện; an sinh xã hội và phúc lợi xã hội được bảo đảm; xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mới đạt kết quả tích cực; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Một số kết quả nổi bật:

Một là, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 8,21% (GDP của nền kinh tế chỉ tăng 3,72%), cao hơn mức 8,13% của cùng kỳ năm 2022, đứng thứ thứ 7/63 tỉnh, thành phố cả nước. Đây là mức tăng trưởng cao thứ 3 so với cùng kỳ kể từ năm 2013 trở lại đây (năm 2018: +8,58%; năm 2019: +9,53%). Cả ba khu vực đều duy trì được tốc độ tăng trưởng khá: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng 2,28%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng trưởng 7,43% (trong đó công nghiệp đạt 6,91%); khu vực thương mại, dịch vụ tăng trưởng 12,67%. Mặc dù bị ảnh hưởng lớn bởi các yếu tố thị trường, giá vật liệu xây dựng tăng cao, song ngành xây dựng vẫn đạt tốc độ tăng trưởng khá cao (13,65%).

Hai là, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng toàn tỉnh tăng 98,75% so cùng kỳ năm trước (cả nước tăng 10,9%).

Ba là, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 33.040 tỷ đồng, đạt hơn 52% so với kế hoạch và tăng gần 70% so với cùng kỳ 2022 (cả nước tăng 4,7%), trong đó:

        + Khu vực nhà nước tăng 37%.

        + Khu vực ngoài nhà nước tăng 74,12%.

        + Khu vực FDI tăng 79,35%.

Bốn là, thu NSNN trên địa bàn đạt 15.246 tỷ đồng, đạt 66,5% dự toán giao, trong đó thu NSNN từ khu vực sản xuất kinh doanh đạt kết quả rất tích cực (thu DNNN Trung ương đạt 31,2%, thu DNNN địa phương đạt 70,9%, thu từ khu vực FDI đạt 74,3%, thu từ khu vực ngoài quốc doanh đạt 176% so với dự toán). Nguồn thu NSNN lớn và tăng nhanh, tỉnh đã điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn lên mức 54.528 tỷ đồng.

Năm là, cải cách hành chính, cải thiện môi trường, năng lực cạnh tranh gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư tư nhân và FDI. Trong 6 tháng đầu năm 2023, đã thu hút được trên 10 nghìn tỷ đồng và hơn 360 triệu USD.

Sáu là, hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đẩy mạnh đầu tư đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông với những dự án trọng điểm mang tính đột phá, tạo động lực và mở rộng không gian phát triển mới.

Bảy là, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt 815 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 17.389 tỷ đồng, tăng 10,58% về số doanh nghiệp và 72,68% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2022. Đây là xu hướng rất tích cực so với cả nước -0,5% về số doanh nghiệp và -19,8% về vốn đăng ký.

Duy trì được đà tăng trưởng kinh tế cao trong bối cảnh khó khăn là nhờ đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên 3 trụ cột: (1) Triển khai đầu tư công với các dự án lớn, trọng tâm là hạ tầng giao thông; (2) Tạo đột phá về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, triển khai khu công nghiệp, cụm công nghiệp gắn với thu hút đầu tư tư nhân và FDI; (3) đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa với việc triển khai các khu đô thị quy mô lớn.

 

Kết quả đạt được trong nửa đầu của nhiệm kỳ 2020-2025 và trong 6 tháng đầu năm 2023 khẳng định quan điểm, chủ trương, đường lối đúng đắn về phát triển kinh tế - xã hội của Đại hội XIX của Đảng bộ tỉnh và vai trò quan trọng, sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đồng bộ của các cấp ủy, tổ chức đảng và các cấp chính quyền.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được nêu trên, kinh tế Hưng Yên cũng còn nhiều khó khăn, hạn chế, nhất là:

(1) Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,16%, mức thấp nhất kể từ năm 2013 (trừ năm 2020 tăng 5,89%).

(2) Kim ngạch xuất khẩu giảm 14,43% (cả nước giảm 12,1%) và kim ngạch nhập khẩu giảm 18,3% (cả nước giảm 18,2%) so với cùng kỳ năm 2022.

(3) Một bộ phận doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, thiếu đơn hàng, khó tiêu thụ sản phẩm, chi phí sản xuất tăng cao, phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm nhân công, giờ làm, giảm nộp ngân sách nhà nước.

(4) Giải ngân vốn đầu tư công thấp. Năm 2023, tỉnh Hưng Yên được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư công với số vốn 12.006 tỷ đồng, tuy nhiên nhìn chung tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công và giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 32% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, mặc dù tăng 57% so với cùng kỳ năm 2022. Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND đã ban hành nhiều chủ trương, giải pháp để tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt song có nhiều yếu tố ngoài tầm kiểm soát như thủ tục chuẩn bị đầu tư rất nhiều, phức tạp, mất nhiều thời gian, nhất là về đất đai, xây dựng, chuyển đổi đất lúa, đánh giá tác động môi trường; giá vật liệu xây dựng tăng cao (ví dụ, đá xây dựng tăng 25-30%, cát tăng từ 50-60% so với cùng kỳ năm 2022, nhà thầu thua lỗ…), đồng thời giải phóng mặt bằng ở một số dự án vẫn còn chậm; năng lực một số nhà thầu hạn chế dẫn đến tình trạng vốn chờ dự án, chờ giải ngân.

(5) Quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn hạn chế, vi phạm vẫn còn diễn ra khá phức tạp như trong lĩnh vực đất đai, bảo vệ môi trường, xây dựng, đô thị. Phối hợp công tác giữa các cấp, các ngành, các địa phương theo chiều ngang và chiều dọc còn nhiều hạn chế, có mặt thiếu chặt chẽ.

(6) Tình hình đơn thư, khiếu kiện đông người, vượt cấp vẫn còn phát sinh và diễn biến phức tạp. Tiếp công dân, giải quyết đơn thư, khiếu kiện chưa kịp thời, triệt để, hiệu quả ở một số cấp, cơ quan, đơn vị. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là an ninh kinh tế, an ninh nông thôn, an ninh văn hóa, an ninh phi truyền thống, tội phạm, nhất là tội phạm kinh tế, chức vụ, tham nhũng, ma túy, tệ nạn xã hội, cờ bạc, giết người, tai nạn giao thông tiềm ẩn yếu tố phức tạp, gây mất ổn định xã hội.

Thưa các đồng chí, các vị đại biểu cùng toàn thể cử tri và Nhân dân trong tỉnh!

 

Thời gian qua, HĐND tỉnh đã nỗ lực triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật, không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, góp phần quan trọng vào những thành tựu, kết quả của tỉnh đạt được trong nửa đầu nhiệm kỳ 2021-2026 và 6 tháng đầu năm 2023 như đã nêu trên.

Thay mặt Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, tôi ghi nhận và nhiệt liệt biểu dương sự nỗ lực, quyết tâm, tinh thần trách nhiệm và những kết quả đạt được của HĐND tỉnh từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Thời gian tới, dự báo tình hình còn nhiều khó khăn, thách thức, diễn biến phức tạp, khó lường. Toàn bộ hệ thống chính trị, nhất là Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh cần phát huy sức mạnh đoàn kết thống nhất, trí tuệ, bản lĩnh và quyết tâm khắc phục hạn chế, yếu kém, vượt qua mọi khó khăn, biến thách thức thành cơ hội, động lực đổi mới, phát triển để thực hiện hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của năm 2023 – năm bản lề, tiến tới thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội XIX của Đảng bộ tỉnh.

Thưa các đồng chí, các vị đại biểu cùng toàn thể cử tri và Nhân dân trong tỉnh!

Theo chương trình làm việc, đây là kỳ họp thường lệ giữa năm 2023 rất quan trọng với nhiều nội dung, gồm kiểm điểm, đánh giá kết quả 6 tháng thực hiện Nghị quyết của HĐND về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, đầu tư công 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023; thông qua chủ trương đầu tư một số dự án và chính sách quan trọng của tỉnh; đồng thời các đại biểu HĐND cũng sẽ thảo luận về tình hình, kết quả và nhiệm vụ của công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, công tác kiểm sát, công tác xét xử, thi hành án dân sự. Đặc biệt là, các đại biểu HĐND tỉnh đánh giá, cho ý kiến về công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh; kết quả hoạt động của Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh và kết quả giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Để kỳ họp thành công, đạt hiệu quả cao, tôi đề nghị:

Một là, HĐND tỉnh, các vị đại biểu HĐND tỉnh phát huy vai trò của cơ quan dân cử, cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân địa phương; phát huy trí tuệ, đoàn kết thống nhất, dân chủ và tinh thần trách nhiệm trước cử tri, Nhân dân địa phương để xem xét, thảo luận, đánh giá khách quan, thấu đáo, trung thực, thẳng thắn và quyết định các nội dung trình kỳ họp này theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.

Các chủ trương, chính sách, quy định của HĐND ban hành hoặc quyết nghị phải bảo đảm thiết thực, hiệu quả, công khai, minh bạch, phòng ngừa tham nhũng, có cơ sở pháp lý, chính trị; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất trong các văn bản pháp lý và bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, giải quyết các vấn đề bức xúc xã hội, đem lại lợi ích thiết thực cho Nhân dân và cử tri của tỉnh ta, đồng thời tăng cường vai trò, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, gắn với tạo môi trường thể chế thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khơi thông mọi nguồn lực để thực hiện mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng tỉnh Hưng Yên trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc. Tăng cường giám sát, theo dõi thực hiện các chủ trương, chính sách được HĐND tỉnh ban hành để kịp thời phát hiện sơ hở, bất cập và kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện.

Hai là, trong quá trình xem xét, quyết định các nội dung tại kỳ họp này, các ban của HĐND tỉnh và các vị đại biểu HĐND tỉnh cần bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các nghị quyết, kết luận của BCH Đảng bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Ba là, HĐND, Thường trực HĐND và các Ban chuyên môn của HĐND tỉnh tiếp tục tăng cường đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động theo hướng cải cách thủ tục hành chính, lề lối, tác phong làm việc và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động; tăng cường phối hợp công tác chặt chẽ với UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị liên quan trong chuẩn bị, thẩm định nội dung kỳ họp, ra nghị quyết, quy định và thực hiện quyền giám sát vì sự phát triển chung của tỉnh, vì lợi ích của Nhân dân và cử tri. Bảo đảm “đúng vai, thuộc bài”, không có biểu hiện “quyền anh, quyền tôi”.

Bốn là, HĐND tỉnh tăng cường hoạt động giám sát thông qua các kỳ họp HĐND tỉnh, hoạt động giám sát của Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND, các Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND tỉnh. Thường xuyên kiểm tra, giám sát tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính trên địa bàn; giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, việc thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh; giám sát hoạt động của Thường trực HĐND, UBND, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh; giám sát văn bản quy phạm pháp luật của UBND tỉnh và văn bản của HĐND cấp huyện. HĐND, Thường trực HĐND.

Tăng cường đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, tập trung vào những vấn đề bức xúc, dư luận xã hội quan tâm, việc chỉ đạo, điều hành, thực thi pháp luật.

Năm là, Thường trực HĐND tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh thực hiện tốt quy định về tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân theo quy định của pháp luật.  

 Sáu là, đại biểu HĐND tỉnh thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri ở đơn vị bầu cử bầu ra mình, chịu sự giám sát của cử tri, có trách nhiệm thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cử tri; thực hiện nghiêm túc chế độ tiếp xúc cử tri; báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của HĐND nơi mình là đại biểu, trả lời những yêu cầu và kiến nghị của cử tri.         

Thưa các đồng chí, các vị đại biểu cùng toàn thể cử tri và Nhân dân trong tỉnh!

Nhiệm vụ của 6 tháng cuối năm 2023 và của nửa cuối nhiệm kỳ 2021-2026 rất nặng nề với nhiều khó khăn, thách thức, tôi rất mong HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh và các vị đại biểu HĐND tỉnh luôn đoàn kết thống nhất, trí tuệ, bản lĩnh, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023 đã đề ra, tạo tiền đề thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ 2021-2026.

Một lần nữa, xin gửi tới các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các vị đại biểu HĐND tỉnh, các vị khách quý, các cử tri và Nhân dân trong tỉnh lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

Chúc kỳ họp thành công tốt đẹp!

Xin trân trọng cảm ơn!

Nguồn tin: Báo Hưng Yên

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
49 người đang online